Tính đến hết ngày 30/9/2020, Đồng Nai có 64 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, trong tổng số 50 doanh nghiệp trong nước, có 9 doanh nghiệp lớn nợ trên 10 tỷ đồng; 21 doanh nghiệp nợ thuế từ 1 đến 10 tỷ đồng, còn lại là những doanh nghiệp nợ dưới 1 tỷ đồng.
Một trong những doanh nghiệp “đội sổ” nợ với số tiền lớn là Công ty TNHH MTV nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm, nợ 63,4 tỷ đồng, tăng 3,4 tỷ đồng so với thời điểm chốt nợ kỳ 8/2020.
Tiếp đến là Công ty TNHH MTV Thăng Long Hiệp Phước, có địa chỉ tại nhà điều hành dự án Khu dân cư Thăng Long - Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, công ty này đang nợ thuế với số tiền 27,5 tỷ đồng, tăng 5,6 tỷ đồng so với tháng trước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản có Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai (nợ 14,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Thuận Lợi Hưng Thịnh (nợ 8,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Thuận Lợi Hưng Thịnh Phát Đồng Nai (nợ 6,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ bất động sản và khai khoáng Đức Phát Lộc (nợ 2,7 tỷ đồng)…
Cũng trong danh sách kỳ 9/2020 đợt này, Cục Thuế Đồng Nai cũng “điểm mặt” 14 FDI, trong đó, đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội, nợ 78,6 tỷ đồng.
Tiếp đến là Công ty TNHH P&F Vina và Chi nhánh có địa chỉ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tổng số nợ là hơn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Jooca Dona (nợ 8,5 tỷ đồng).
Công ty TNHH Kova Vina, Công ty TNHH Hankook Tower Crane, Công Ty TNHH Liên Doanh Hóa Chất Arirang, Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam, là những doanh nghiệp có số nợ thuế từ 1 - 1,4 tỷ đồng.
Trong tổng số 14 doanh nghiệp FDI nợ thuế kỳ này, Cục Thuế Đồng Nai đã đề nghị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh đối với Công ty TNHH Gnotech (nợ hơn 334 triệu đồng).
Còn đối với các doanh nghiệp khác, biện pháp cưỡng chế nợ thuế mà Cục Thuế Đồng Nai áp dụng là cưỡng chế tài khoản và cưỡng chế hóa đơn.
Nguyễn Tùng