Theo đó, giải pháp được UBND tỉnh xác định để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra đó là tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Kế hoạch 29/KH-UBND ngày 1/2/2019), trong đó, đặc biệt chú trọng giải pháp cơ cấu lại thị trường khách du lịch.
Trong đó:
Tập trung xây dựng tour du lịch đường thủy, vốn là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng sản phẩm du lịch biên mậu thu hút đối tượng khách quốc tế đi qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Thường Phước;
Đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Đồng Tháp có tiềm năng và đáp ứng xu hướng mới của khách quốc tế như du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái;
Đồng thời, tăng cường thu hút từ các tỉnh miền Trung – Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên với việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hoá và ẩm thực mang tính đặc trưng vùng miền; cụ thể, triển khai Kế hoạch phát huy giá trị 200 món ăn sen, xây dựng sản phẩm học kỳ nông nghiệp, tour du lịch đường thuỷ.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu ngành du lịch, được tỉnh chú trọng: Điều tra thống kê thu thập thông tin về số lượng khách du lịch; mức chi tiêu của khách du lịch và tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động du lịch; phục vụ cho việc xây dựng và đánh giá kết quả về phát triển và mức độ đóng góp của du lịch (tỷ lệ % du lịch/GRDP) cho nền kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, địa phương tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhanh chóng bù đắp lượng lao động thiếu hụt do ảnh hưởng dịch Covid-19; đặc biệt chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao.
Yến Linh