Nông dân thu hoạch ớt. (Nguồn: baodongthap.vn)
Nông dân thu hoạch ớt. (Nguồn: baodongthap.vn).

Được biết, mỗi năm diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp có gần 2.000ha, riêng mùa vụ cuối năm diện tích trồng ớt trong tỉnh chỉ có vài trăm ha. Ớt ở Đồng Tháp trồng nhiều nhất tại huyện Thanh Bình và Cao Lãnh, với các loại ớt chỉ thiên, ớt tên lửa 106, ớt chánh phong, ớt hai mũi tên...

Theo tính toán của anh Nguyễn Thành Dũng, ấp1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, sau hơn 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch và thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng, bình quân từ 5-10 ngày thu hoạch, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha.

Anh Nguyễn Văn Mười, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình trồng 3.000m2 ớt chỉ thiên trên đất vườn, cho biết vụ ớt này anh trúng đậm, bởi vì vào những tháng mùa nước nổi bà con thu hoạch màu; Trong đó có ớt cũng thu hoạch xong. Nhiều nơi ngưng sản xuất chờ nước rút, mới xuống giống phục vụ hoa màu cho tết. Anh tranh thủ xuống giống ớt và kịp bán trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, do ớt khan hiếm nên anh Mười bán được giá cao, bạn hàng đến tận vườn hối thúc thu hoạch. Đầu tháng 11/2020 anh Mười bán với giá 65.000 đồng/kg ớt, đến nay bán với giá hơn 100.000 đồng/kg. Với mức đầu tư hơn 30 triệu đồng, đến nay anh đã bán được hơn 100 triệu đồng tiền ớt và đang thu hoạch thêm 1 tháng nữa. Anh dự tính tổng thu được 150 triệu đồng, lãi hơn 110 triệu đồng.

Bên cạnh đó, giá ớt tăng cao là do vụ này ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngừng sản xuất do vào mùa nước nổi, đồng thời do các tỉnh miền Trung bị lũ lụt cho nên diện tích trồng ớt thu hẹp, nguồn cung thiếu, cho nên giá ớt tăng lên gấp 2-3 lần so với đầu năm. Riêng tỉnh Đồng Tháp diện tích trồng ớt giảm từ 60-80% diện tích trong những tháng mùa nước nổi.

Hiện nay hàng chục đại lý thu mua ớt có tiếng ở Đồng Tháp mỗi ngày thu mua hàng chục tấn ớt thương phẩm, do đó đang thiếu ớt thương phẩm để cung cấp. Nhiều thương lái đã đặt cơ sở ở các địa phương, đến tận ruộng để thu mua nhưng lượng cung không đủ cầu. Dự đoán giá ớt trong thời gian tới vẫn có thể tăng cao.

 Thùy Linh