Ảnh minh họa.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.

Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên tham gia thực hiện phong trào thi đua toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phấn đấu xây dựng cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Đồng thời, UBND huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ, gắn với các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu có 100% hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết giao ước thi đua xây dựng khóm, ấp “An toàn về an ninh, trật tự”; có trên 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; 98% xã đạt chỉ tiêu về “An ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên”.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, hiệu quả trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng và xét cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Ngoài ra, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; bồi dưỡng, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 Thuận Yến - Thùy Linh