Sau khi tăng nhanh và hạ nhiệt về cuối phiên trong phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều cố gắng lấy lại ngưỡng đỉnh cũ quanh 1.290 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2022, nhưng đều không thành công do bảng điện tử phân hóa mạnh, trong khi các trụ cột ngoài TCB khởi sắc thì đều chững lại.
Tuy vậy, khá nhiều bluechip sau đó đã nới đà đi lên, dù không mạnh nhưng cũng đủ giúp VN-Index chạm đến ngưỡng điểm trên trước khi bước vào phiên ATC và giữ được mốc điểm 1.290 điểm này khi đóng cửa khi lực cung có gia tăng đôi chút ở những phút cuối.
Chốt phiên, sàn HOSE có 254 mã tăng và 209 mã giảm, VN-Index tăng 7,09 điểm (+0,55%), lên 1.290,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,01 tỷ đơn vị, giá trị 25.868,7 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng và gần 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 123,7 triệu đơn vị, giá trị 3.029 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu ACB có gần 49 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.462 tỷ đồng.
Cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN30 vẫn là TCB, dù chỉ còn +5,4% lên 48.000 đồng, khớp hơn 30 triệu đơn vị, một trong những phiên thanh khoản cao nhất của mã này trong lịch sử.
Nới thêm đà đi lên đáng chú ý còn STB +3,7% lên 32.000 đồng, VHM +1,9% lên 43.300 đồng, SSI và FPT tăng 1,7%. Các sắc xanh khác còn tại MSN, VIC, VJC, MWG và các mã ngân hàng VPB, VIB, HDB, CTG, SHB, MBB, dù mức tăng chỉ trên dưới 1%. Trong đó, STB vươn lên khớp lệnh cao nhất nhóm khi có gần 32 triệu đơn vị, SSI khớp 26,4 triệu đơn vị.
Những cổ phiếu giảm không đáng kể, với HPG, VCB, GAS, PLX, VRE khi chỉ mất trên dưới 1%. Cùng với đó là các mã VNM, SSB, GAS, BVH đứng tham chiếu.
Dòng tiền phiên này phân hóa và không tập trung hướng vào nhóm ngành nào, nhưng một số cổ phiếu công ty chứng khoán đã bật lên tích cực vào cuối phiên.
Trong đó, AGR là điểm sáng khi tăng kịch trần +6,84% lên 22.650 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị; CTS +3,9% lên 39.000 đồng, khớp 2,72 triệu đơn vị; HCM +3,6% lên 30.050 đồng, khớp 17,3 triệu đơn vị; VDS +3,4% lên 22.650 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị; BSI +3,1% lên 64.000 đồng, khớp 0,57 triệu đơn vị; FTS nhích 2,3% khớp 2,9 triệu đơn vị. Các cổ phiếu APG, TCI, TVS, ORS, VCI cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Trong khi đó, cổ phiếu VND là mã duy nhất giảm trong nhóm này, dù mức giảm cũng chỉ 0,4% xuống 23.200 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có hơn 43,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm bán lẻ, nông nghiệp, bất động sản, xuất nhập khẩu, logistics cũng có được mức tăng đáng chú ý như FRT +6,7% lên 156.900 đồng, VRC +5,3% lên 12.950 đồng, PAN +4,4% lên 25.100 đồng, ASM +4,3% lên 13.350 đồng, GIL +4% lên 39.500 đồng, QCG +3,6% lên 12.900 đồng, HAG +3,2% lên 12.950 đồng, VHC +3% lên 79.300 đồng…
Ở chiều ngược lại, chỉ một số ít giảm và chốt lời đáng kể là VPH -4,6% xuống 8.110 đồng, AGM -3,6% xuống 6.740 đồng, RDP -2,7% xuống 6.800 đồng và NVL -2,5% xuống 17.650 đồng và là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 45,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ trên tham chiếu, trước khi có nhịp tăng khá mạnh ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 86 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 1,07 điểm (+0,44%), lên 243,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,6 triệu đơn vị, giá trị 1.775,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,8 triệu đơn vị, giá trị 80,2 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu ngành than phiên sáng nổi sóng là TC6 và NBC đứng vững ở mức giá trần khi đóng cửa, khớp 1,77 triệu và 0,97 triệu đơn vị.
Các mã chứng khoán cũng có mức tăng khá với EVS +3,5% lên 8.900 đồng, MBS +4,4% lên 30.800 đồng, BVS +5,9% lên 33.900 đồng, trong khi SHS chỉ +0,5% lên 20.600 đồng, khớp lệnh vượt trội khi có hơn 18,6 triệu đơn vị.
Phần còn lại biến động nhẹ, với CEO, PVS, TNG, AMV, PVC giảm nhẹ, trong khi IDJ, LIG, NRC, IDJ đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi về dưới tham chiếu vào giữa phiên, nhưng cũng đã hồi phục sau đó với nhịp tăng tích cực vào cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,33%), lên 91,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,6 triệu đơn vị, giá trị 425 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,85 triệu đơn vị, giá trị 49,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu NED giữ giá trần +13,9% lên 8.200 đồng, khớp lệnh hơn 1,35 triệu đơn vị.
Những cái tên khác có thanh khoản cao hơn đều tăng, trong đó, SBS dẫn đầu với 4,25 triệu đơn vị và +3,9% lên 8.100 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2404 tăng 18,9 điểm, tương đương +1,47% lên 1.306,9 điểm, khớp lệnh hơn 196.700 đơn vị, khối lượng mở gần 47.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CSTB2322 vượt trội về thanh khoản khi có hơn 8,05 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 30,3% lên 730 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2327 với gần 3 triệu đơn vị và tăng hơn 15,3% lên 600 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)