Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đã chạy thử, chỉ chờ… chạy thật - Hình 1

Bộ GTVT cam kết khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý IV/2018

10 năm thi công, 4 lần sai hẹn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot; tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA Trung Quốc là 419 triệu USD.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013. Tuy nhiên, đến ngày 10/10/2011, dự án này mới chính thức triển khai và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử tàu từ tháng 1/2015.

Đến năm 2016, dự án lại được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng thêm hơn 250 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.

Ngày 13/6/2016, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã có buổi thị sát Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đưa ra mục tiêu đến 31/12/2016 hoàn thành dự án. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Hoàn thành dự án đúng tiến độ là lời hứa trước nhân dân Thủ đô Hà Nội, chúng ta không được phép lùi”.

Ngày 29/9/2016, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Tới tháng 9/2017, sẽ đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại. Chúng tôi khẳng định, đây là tiến độ cuối cùng và sẽ thực hiện được”.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, Bộ GTVT lại có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác thương mại trong quý I/2018.

Đến giữa tháng 9/2017, Bộ GTVT cho biết dự án đã vỡ kế hoạch chạy thử, tiếp tục chậm tiến độ do khó khăn về vốn.

Sau 3 lần sai hẹn, tổng thầu Trung Quốc hứa đến đầu năm 2018 sẽ vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thế nhưng, tháng 12/2017, tổng thầu bất ngờ đề nghị xin lùi đến tháng 11/2018 (?!).

650 tỷ đồng/năm cho 250 triệu USD

Như vậy, chỉ tính riêng khoản vay bổ sung 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc (China EximBank), Việt Nam phải trả nợ đúng hạn cả gốc lẫn lãi là 650 tỷ đồng/năm, trong khi Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chậm tiến độ 3 năm và chưa biết khi nào hoàn thành.

Mới đây, Bộ Tài chính thực hiện kế hoạch trả nợ kỳ 3 đối với khoản vay bổ sung 250 triệu USD từ China EximBank cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đáng lưu ý, dự án này đã vỡ tiến độ, chưa biết bao giờ mới có thể đưa vào sử dụng, trong khi nợ gốc và lãi đã phát sinh từ năm 2011, năm 2016 tiếp tục “bồi” thêm nghĩa vụ trả nợ khoản vay bổ sung kéo dài ít nhất đến năm 2025.

Theo văn bản Bộ Tài chính gửi Bộ GTVT và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc trả nợ và phí cam kết đối với khoản vay tín dụng người mua ưu đãi 250 triệu USD của China EximBank cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn đối với khoản vay này vào ngày 21/1. Trong đó, dư nợ là 38,56 triệu USD, cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), riêng lãi vay là hơn 580.000 USD (13,16 tỷ đồng). Phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229.500 USD (tương đương 5,2 tỷ đồng).

Theo đó, khoản vay có thời gian trả nợ trong 9 năm bắt đầu từ tháng 1/2016 - 1/2025, kỳ hạn trả nợ chia làm 2 lần, vào ngày 21/1 và 21/7 hằng năm. Kỳ trả nợ như Bộ Tài chính nêu trên là năm thứ 2. Số tiền phải trả mỗi kỳ là 14,4 triệu USD (tương đương 325 tỷ đồng). Như vậy, trung bình mỗi năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng cho vốn vay, đội thêm để hoàn thiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bên cạnh đó, còn khoản vay 419 triệu USD ban đầu để thực hiện dự án này.

Chờ tiếp 6 tháng tàu sẽ… chạy thật?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được hàng triệu người dân Thủ đô kỳ vọng bởi giao thông đang ngày càng quá tải. Tuy nhiên, so với thời điểm chốt tiến độ gần nhất, dự án này đã chậm gần 1 năm.

Sáng 6/3, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đoàn kiểm tra trực tiếp đi trên tàu (tàu phục vụ thi công, chạy bằng diesel) dọc từ ga Cát Linh đến cuối tuyến, kiểm tra khu vực công trường Depot tại Hà Đông.

Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đang hoàn thành những hạng mục cuối, với mốc tiến độ đặt ra là đủ điều kiện để đưa vào vận hành, khai thác thương mại trong quý IV/2018. Bộ GTVT xác định đây là dự án trọng điểm và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai, bám sát các mốc tiến độ đề ra.

Phần khó khăn nhất và làm ảnh hưởng đến tiến độ nhất của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đó là vốn. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết khi hiệp định vay vốn 250 triệu USD đã có hiệu lực. Phía ngân hàng Trung Quốc khẳng định sẽ giải ngân đúng và đủ theo tiến độ dự án.

Cho đến thời điểm này, khối lượng xây lắp của dự án đã đạt 95%. 13/13 đoàn tàu khách đã được đưa về Việt Nam. Hiện phần còn lại, chủ yếu là lắp đặt thiết bị tại các nhà điều hành, nhà ga và đường ray.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tiến độ hiện hoàn toàn phụ thuộc vào việc bố trí nhân lực của tổng thầu, bởi khối lượng còn lại vẫn còn nhiều và đang nằm rải rác ở nhiều hạng mục của toàn bộ dự án.

Theo kế hoạch, tới tháng 9/2018, còn khoảng 6 tháng, đoàn tàu sẽ được đưa vào chạy thử. Sau khi đưa vào khai thác, đoàn tàu khách trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành với tần suất 3 - 5 phút/chuyến với tốc độ khai thác bình quân 35km/h.

Hiện Bộ GTVT đang cùng các bộ, ngành và TP. Hà Nội xây dựng mức giá vé phù hợp và tạo sự kết nối giao thông giữa đường sắt với các loại hình vận tải công cộng khác trong nội đô.

Quyền Linh