Đây là khoản tiền mà Việt Nam vay thêm Trung Quốc để phục vụ Dự án đã được 2 bên thống nhất cách đây 3 năm, nhưng đến tháng 5/2017 thì khoản vay này mới được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Sau ký kết, 2 bên phải thực hiện thêm một số thủ tục pháp lý khác để khoản vay có hiệu lực.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được giải ngân bổ sung 250,62 triệu USD - Hình 1

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị của dự án Cát Linh - Hà Đông. Khi phát sinh vướng mắc, cần báo cáo ngay Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết. 

“Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói và yêu cầu các đơn vị liên quan phải đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2018. 

Theo Thứ trưởng Đông, tháng 1/2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ tình hình triển khai dự án và đề xuất mốc thời gian cuối để hoàn thành dự án.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, đến nay khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành 95%, nhưng trong năm 2017 do chậm nguồn vốn bổ sung trên nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Đến nay, nguồn vốn bổ sung đã được khơi thông nên Ban đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ; khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ. Ban cũng tập trung cao nhất lực lượng để đẩy nhanh hoàn thành tiến độ dự án theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

PV