Khởi công từ tháng 10/2011, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), bao gồm các hạng mục: 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Điệp khúc”… chậm tiến độ! - Hình 1

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông:  “Điệp khúc”… chậm tiến độ!

Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng do có một số sự cố trong thi công cùng việc đội vốn, chậm giải ngân, dự án đã liên tục lùi tiến độ.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã phát sinh tăng hơn 300 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên hơn 868 triệu USD (tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, cuối tháng 7 vừa qua, dự án đã phải hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng và tháng 10 sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã tới kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Kết quả cho thấy, dự án sẽ lại phải lùi tiến độ.

Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC dự án), tiến độ thi công dự án vẫn đang rất chậm chạp vì thiếu vốn. Nhiều hạng mục: Depot, nhà điều hành, nhà xưởng… đều chưa xong các hạng mục cơ bản; một số nhà ga chưa xong phần xây dựng. Trên công trường, nhiều nhà ga, hệ thống thiết bị vẫn ngổn ngang, nhân sự và máy móc phục vụ thi công giảm đi do không có việc.

Đại diện Tổng thầu EPC cho biết, do ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) vẫn chưa giải ngân vốn đầy đủ; quá trình thanh toán giải ngân, bổ sung vốn chưa được giải quyết kịp thời, các khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị tăng dần dẫn đến nguy cơ không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

Ngoài ra, thời gian phê duyệt kết quả mời thầu các gói thầu chuyên ngành bị chậm trễ nghiêm trọng. Do thời gian đưa cáp quang/cáp điện và lô thiết bị đầu tiên vào hiện trường bị chậm trễ, Tổng thầu yêu cầu điều chỉnh kéo dài tương ứng thời gian hoàn thành lắp đặt và căn chỉnh thiết bị chuyên ngành thông tin, tín hiệu. Theo đó, một số hạng mục thuộc chuyên ngành thông tin và tín hiệu phải đến ngày 29/12/2017 mới hoàn thành. Vì thế, thời gian đưa đoàn tàu vào vận hành thử phải chuyển tới 30/12/2017 (thay vì từ 1/10/2017). Từ đó, thời gian đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại sẽ lùi lại, điều chỉnh thành ngày 30/6/2018 (thay vì 31/3/2018).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nên nhu cầu về vốn rất lớn, tình trạng chậm vốn có ảnh hưởng quyết định đến tiến độ. Bộ Giao thông Vận tải sẽ gửi văn bản đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ; đồng thời làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc để yêu cầu đảm bảo tiến độ theo cam kết.

Được biết, phía Trung Quốc đã thông qua khoản vay bổ sung 250 triệu USD cho dự án, nhưng đến thời điểm nào ngân hàng China Eximbank mới rót vốn thì vẫn còn phải chờ. Bởi vậy, dư luận không khỏi nghi ngờ: Liệu cái đích 30/6/2018 đã là “ga” cuối?

Hoan Nguyễn