Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, việc chưa ký kết được gia hạn hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua và ký kết hiệp định ưu đãi bổ sung vẫn đang được phía Việt Nam và Trung Quốc đàm phán - chắc chắn tác động đến việc thực hiện dự án.

Ban Quản lý dự án đường sắt vẫn đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu khẩn trương triển khai, thực hiện các hạng mục còn lại, đặc biệt là các hạng mục “đường găng” tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận hành chạy thử, đồng thời khẳng định không lùi các mục tiêu đã đặt ra đối với dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tàu đã nhập về nhưng vốn vẫn... tắc - Hình 1

Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trước đó, vào cuối năm 2016, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác thương mại trong quý I/2018. Sau khi nhận được văn bản, Chính phủ đã "chốt” với Bộ GTVT trong quý I/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu  Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu khẩn trương thực hiện dự án với các mốc tiến độ cụ thể như sau: Hoàn thành xây dựng cơ bản (gồm cơ sở hạ tầng như hoàn thiện nhà ga, công trình kiến trúc khu Depot, đường ray...) ngày 31/12/2016; hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3/2017; bắt đầu lắp đặt thiết bị ngày 15/3/2017; hoàn thành lắp đặt thiết bị ngày 31/7/2017; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9/2017; bắt đầu vận hành chạy thử (bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành thử chở khách mô phỏng) ngày 1/10/2017.

Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Đường sắt (Bộ GTVT), đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu bao gồm kết cấu cầu cạn, nhà ga, công trình kiến trúc trong khu Depot, đường ray... Trên dự án còn một vài vị trí, kết cấu hạng mục phụ trợ - lối lên xuống các nhà ga đang tích cực thi công, những vị trí này, trong quá trình vừa qua khi thi công bị ảnh hưởng một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hoặc do cản trở (như vị trí ga La Khê, ga Văn Khê, ga Vành đai 3).  

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD; tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.

Ngọc Linh