Dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng), gồm nhiều dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 22 nghìn tỷ đồng-đến nay ngân sách Nhà nước đã bố trí đầy đủ.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số một, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ACV hiện đang nhận nhiều dự án cảng hàng không trong khi nguồn lực, thời gian có hạn, kinh nghiệm không nhiều. Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo ACV phải lên hiện trường làm việc, sát cánh cùng với địa phương, cùng với dân thì mới sớm có mặt bằng cho dự án Long Thành.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Đề nghị các bộ, ngành, đơn vị bàn rõ việc, rõ trách nhiệm, chậm ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm, ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án; dành nhiều thời gian phân tích về những hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn thời gian tới. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng đầu tư xây dựng giai đoạn 1 được hơn 1.284 ha trong tổng số 1.810 ha, tức là còn lại khoảng 525 ha.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị cần thay đổi cách làm việc, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, như không thể đợi có đủ hàng chục nghìn bản vẽ thiết kế rồi mới thẩm định mà phải thẩm định nhanh nhất, sớm nhất có thể; chuẩn bị ngay danh sách các nhà thầu có thể tham gia xây lắp…
Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, liên tục điều chỉnh công việc của các bên liên quan để có kết quả như ngày hôm nay. Thời gian qua, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo với sự vào cuộc của các cơ quan có liên quan. Do đó, công việc có chuyển biến.
Tuy nhiên, nhìn lại hơn 6 năm vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, việc tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa xứng tầm với một công trình trọng điểm quốc gia, nên vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Do đó, phải thay đổi tư duy, phương pháp luận phù hợp tình hình và xứng tầm công trình trọng điểm quốc gia, ai được giao nhiệm vụ phải luôn tâm niệm điều này, tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Cách tiếp cận cần tổng thể, đồng bộ, toàn diện, liên thông, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"…
Cùng với quyết tâm chính trị cao, việc tổ chức thực hiện phải bám sát thực tiễn để bảo đảm quy trình, tiến độ, chất lượng, có lộ trình cụ thể cho từng phần việc. Việc phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, đúng vai, thuộc bài.
Về vấn đề cụ thể, Thủ tướng nêu rõ với dự án giải phóng mặt bằng đã được bố trí vốn năm 2021 và 2022, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Đồng Nai, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Các dự án tái định cư phải bảo đảm cuộc sống người dân ổn định, bằng hoặc hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước, tránh khiếu kiện. Về các đề xuất của tỉnh, UBND tỉnh chủ trì phân tích, đánh giá, đề nghị các bộ ngành thẩm định, vào cuộc giải quyết.
Q.N (t/h)