THCL Qua 8 năm thi công, nhiều lần gia hạn do công tác GPMB không đảm bảo tiến độ, đến tháng 11/2016, Dự án thoát nước giai đoạn II của TP. Hà Nội đã về đích. Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên mức trên 8.000 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ
Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II với mục tiêu cải thiện môi trường, giảm úng ngập cho khu vực nội đô, nhưng sau 8 năm triển khai và nhiều lần gia hạn mới hoàn thành. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do một số quận, phường bế tắc trong công tác GPMB.
Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 4315/QĐ-UBND ngày 28/9/2006. Mục tiêu đầu tư của Dự án là chống ngập úng Thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa; cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch, là cơ sở để hoàn thiện và phát triển hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Hà Nội.
Thi công từ tháng 11/2008, dự án đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã bị ảnh hưởng rất nhiều do những vướng mắc về GPMB, thậm chí một số trường hợp, nhà thầu còn rút phương tiện vì không được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Vì những khó khăn trên, dự án được làm thủ tục gia hạn đến năm 2015, sau đó kéo dài đến cuối năm 2016. Để tháo gỡ khó khăn, Thành ủy - UBND Thành phố liên tục đốc thúc, đưa ra các giải pháp giúp chính quyền địa phương có dự án đi qua tháo gỡ khó khăn về công tác GPMB, nhưng việc bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, nguyên nhân chính khiến Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II chậm tiến độ là do GPMB, mà vướng nhất là khâu xác định nguồn gốc đất. Việc quản lý đất đai nhiều năm không chặt chẽ, nhất là đất ở các rìa sông, nơi xen kẹt... nên rất khó cho việc lên phương án bồi thường.
Theo dự toán ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị của dự án đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Phần đội giá nhiều nhất là đối ứng do chi phí GPMB (trước kia, chi phí GPMB dự trù hơn 1.000 tỷ đồng, thì nay bị đội lên 3.000 tỷ đồng). Sau khi dự án được gia hạn đến hết tháng 12/2016, UBND Thành phố đã chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là đôn đốc UBND các quận, huyện đẩy nhanh GPMB ở những “điểm đen” giúp nhà thầu có mặt bằng thi công. Thông tin từ Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho biết, đến hết tháng 10/2016, công tác thi công các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành (16/16 gói thầu). Hiện nay, nhà thầu, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn và các bên liên quan đang tiến hành dọn dẹp công trường, hoàn thiện, kiểm tra, nghiệm thu, làm thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng.
Đánh giá về hiệu quả Dự án thoát nước giai đoạn II sau khi đưa vào sử dụng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Dự án thoát nước giai đoạn II hoàn thành, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tiêu thoát nước của thành phố. Phạm vi dự án bao phủ lên đến 77,5 km2 nên phần lớn khu vực nội đô sẽ thoát khỏi tình trạng ngập lụt như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì... Việc tiêu thoát nước sẽ luôn đảm bảo ở mức 310 mm/2 ngày đêm, đúng theo thiết kế phê duyệt.
Ngọc Linh