Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đến nay khó khăn với người chăn nuôi cơ bản cũng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180% nên chi phí chăn nuôi cũng bị đẩy lên cao.
Trước đây, vào những tháng cuối năm các công ty chế biến tăng cường thu mua để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ tết nên giá các loại thực phẩm cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên năm nay, giá thịt những ngày qua có tăng so với những tháng trước, nhưng không đáng kể.
Với việc dịch tả heo Châu Phi đang có diễn biến phức tạp tại một số địa phương và phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu lỗ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều cơ sở chăn nuôi sẽ phải dừng nuôi, để trống chuồng trước lo ngại về sự bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng.
Các chuyên gia ngành chăn nuôi nhận định, giá heo hơi nhiều khả năng sẽ còn giảm hoặc duy trì ở mức thấp trong quý I/2022 khi mà lo ngại về những biến thể mới của Covid-19 sẽ khiến cho các biện pháp chống dịch được siết chặt, các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa được hoạt động bình thường...
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4 - 5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4%; sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỉ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm hiện nay đàn heo cả nước vẫn được duy trì 28,1 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 8,8 triệu con. Tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 3,82 triệu tấn (tăng 6,1%); thịt gia cầm đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn (tăng 6%), sản lượng trứng khoảng 16 tỉ quả (tăng 7,5%), sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn (tăng 11,5%).
Minh Đức