Sáng 17/9, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 24h qua, khu vực Nam Bộ có mưa rào nhiều nơi và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mua to.
Cụ thể, Trà Lọt – Tiền Giang 71.2mm, Bắc Đông – Long An 71mm, Tuyên Bình Tây – Bạc Liêu 63.2mm, Ô Môn – Cần Thơ 61.6mm, Ngã Sáu – Đồng Tháp 62.8mm, Bù Đăng – Bình Phước 66.8mm…
Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 24h đến 48h tới: Từ ngày 17/9 – 19/9, khu vực Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.
Khả năng đợt mưa lớn trên khu vực kéo dài tới khoảng ngày 19/9 – 20/9.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập ở các vùng trũng thấp, ven sông và kênh rạch.
Liên quan đến nguy cơ ngập nặng tại các tỉnh Nam Bộ, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, lũ trên sông Mê Kông khu vực thượng Lào và miền bắc Thái Lan đang có xu thế tăng rất mạnh do ảnh hưởng của mưa lớn từ bão số 3 (Yagi). Mực nước tại khu vực Campuchia đang ở mức thấp nhưng dự báo có xu thế tăng mạnh do lũ thượng nguồn đổ về.
Nhận định lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tăng trong 1 đến 2 tuần tới do mưa lũ thượng nguồn tăng, kết hợp triều cường cao (kỳ triều giữa tháng 8 âm lịch) và khả năng đạt đỉnh lũ tháng 9 vào khoảng từ ngày 19/9 - 22/9.
Mực nước tại trạm Tân Châu được dự báo dao động ở mức từ 3 - 3,2 m, cao hơn năm 2023 từ 0,07 - 0,27 m. Mực nước tại trạm Châu Đốc ở mức từ 2,8 – 3 m, cao hơn năm 2023 từ 0,03 - 0,23 m.
Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05 - 2,15 m (trên Báo động III từ 0,05 - 0,15 m). Đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95 - 2,05 m (trên BĐIII từ 0,15 - 0,25 m).
Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao, xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5 - 10 cm.
Với kết quả nhận định ở trên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết khả năng nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào các ngày từ 18/9 - 22/9.
Đặc biệt, ngập úng xảy ra trên địa bàn vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long gồm TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; các khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau như TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP. Cà Mau tỉnh Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long như TP. Long Xuyên tỉnh An Giang.
Từ đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương có nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ vào đợt triều cường từ ngày 18/9 - 22/9 cần lưu ý rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng…
Hoàng Bách (t/h)