UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030.

Kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Để thực hiện kế hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu kế hoạch cần phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho các Sở, ban, ngành thành phố, Kho bạc nhà nước thành phố, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các Tổng Công ty; nghiên cứu vận dụng các nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/ 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Tất cả các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các Tổng Công ty tập trung thực hiện theo chỉ đạo tại Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 29/12/ 2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030.

TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 để tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững
TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 để tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững (Ảnh: Ngọc Hậu)

Ngoài các nội dung trên, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan đơn vị tập trung vào 14 nhóm nhiệm vụ chính: Tài chính xanh; Nhân lực chất lượng cao; Kết nối xanh; Năng lượng xanh; Nước sạch và tuần hoàn nước; Tuần hoàn vật liệu; Tiêu dùng xanh; Giao thông xanh; Toà nhà xanh và tiết kiệm năng lượng; Khởi nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo xanh; Mảng xanh đô thị và Nông nghiệp xanh; Hệ sinh thái Cần Giờ Xanh.

Tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, các Sở, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung của Kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao nhất; định kỳ tổ chức rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được giao tại kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP. Hồ Chí Minh trước ngày 30/11 hằng năm.

Đối với các nhiệm vụ cần nghiên cứu, các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu và tham mưu UBND Thành phố trong tháng 9 năm 2024.

Đối với các nhiệm vụ cần thời gian điều tra, khảo sát, các đơn vị tiến hành điều tra, khảo sát và tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh trong Quý IV năm 2024.

UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các Tổng Công ty và các chủ đầu tư theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này.

Liên quan đến tăng trưởng xanh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. TP. Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, TP. Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

TP. Hồ Chí Minh cũng đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tham khảo, hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để từ đó học hỏi, rút ra được nhiều kinh nghiệm hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàng Bách(t/h)