Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý 4 năm 2021, giá vật liệu xây dựng có xu hướng ổn định và tăng trở lại, nguyên nhân một phần là do các các hoạt động xây dựng đã được phéo triển khai.

Dự báo giá vật liệu xây dựng sẽ tăng trở lại trong quý 4

Các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng giảm từ 6 - 20% so với quý II/2021. Các chuyên gia của Viện Kinh tế Xây dựng dự báo quý IV/2021, các hoạt động khai thác cát, đá triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cung sẽ tăng, giá cát sẽ tương đối ổn định, chiều hướng tăng nhẹ 3 - 5%.

Lượng cầu giá thép dự báo sẽ tăng trong quý 4/2021
Lượng cầu giá thép dự báo sẽ tăng trong quý 4/2021 

Về phần giá thép, trong nước tăng nhanh cùng thế giới và khu vực từ quý IV/2020 đến tháng 05/2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu giảm khi thời tiết bước vào mùa mưa, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công do lệnh giãn cách xã hội và sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước, giá thép trong nước quý III/2021 giảm nhẹ 5 - 10%.

3 tháng cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xây dựng được phép triển khai tiếp tục trên cả nước, các chuyên gia dự báo lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, do nguồn cung đáp ứng nên giá thép ổn định và hình thành mặt bằng giá mới.

Về giá bán xi măng trong quý III/2021, do nguồn cung luôn đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên giá xi măng cơ bản ổn định so với quý II/2021. Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng cho biết, nguyên nhân tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm là do tác động của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Dự báo giá bán xi măng trong quý IV/2021, khi các hoạt động xây dựng được triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng và giá xi măng ổn định trên cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam.

Với những dự báo trên, Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật giá vật liệu xây dựng bám sát diễn biến giá thị trường với tần suất từng tháng (đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), sớm báo cáo ảnh hưởng của việc giá vật liệu xây dựng đến công tác quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương.

Bên cạnh đó, Viện Kinh tế xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần có những biện pháp và cơ chế để kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng tăng giá của vật liệu xây dựng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Cần cái nhìn toàn diện về  vật liệu không nung

Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 tăng cường sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.

Vật liệu không nung ra đời với những đặc tính ưu việt trong thiết kế xây dựng, tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm dôi dư trong khai thác, sản xuất; góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính; tiết kiệm nhiên liệu than, dầu, khí, điện… được xem là một trong những bước tiến mới trong lĩnh vực xây dựng và lộ trình dần thay thế cho loại gạch nung bằng đất sét.

Người tiêu dùng cần có cái nhìn toàn diện về vật liệu xây dựng không nung
Người tiêu dùng cần có cái nhìn toàn diện về vật liệu xây dựng không nung 

Theo tìm hiểu của phóng viên,  hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 52 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế khoảng 1,2 tỷ viên/năm; phân bố trên địa bàn 24 huyện, thị xã, thành phố; sản phẩm sản xuất hàng năm đạt trung bình khoảng 400 triệu viên, các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được công bố chất lượng theo quy định của Bộ Xây dựng, qua công tác thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng hàng năm cho thấy tỷ lệ sử dụng vào công trình cơ bản đáp ứng quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng về Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng.

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng; đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vật liệu xây dựng bình quân năm 2021 vẫn tăng trưởng nhẹ, một số sản phẩm vật liệu xây dựng tăng bình quân chung chủ yếu từ 2-7% so với cùng kỳ; thấp hơn kế hoạch dự kiến khoảng ≥ 10%; Riêng đối với sản phẩm gạch không nung năm 2021 giảm hơn năm 2020, như về sản lượng sản xuất giảm 1,68%, sàn lượng tiêu thụ giảm 6,12%.

Trao đổi nhanh với phóng viên, một số chủ thầu, đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh cho biết, người dân thường đưa ra những ý kiến chủ quan của mình khi cho rằng các loại vật liệu xây dựng không nung, độ cứng thấp, nặng và rất dễ thấm nước, nhưng thoát lại rất lâu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trong khi khí hậu miền Bắc, Bắc Trung bộ  thất thường, độ ẩm cao… nên họ vẫn lựa chọn gạch nung cho công trình nhà mình.

Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân vật liệu xây dựng không nung vẫn chưa được người dân tin dung do tâm lý tin dùng mà sử dụng các sản phẩm truyền thống lâu nay của người dân, họ chưa tìm hiểu, tiếp cận những đặc tính ưu việt của loại vật liệu mới. Hiện trên thị trường, nhiều loại sản phẩm không nung sản xuất từ những công nghệ, dây chuyền thủ công, cho ra sản phẩm kém chất lượng vào thị trường làm ảnh hưởng uy tín, niềm tin của người dân vào gạch không nung…

Thông tin từ trưởng phòng quản lý vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Thanh Hóa ông Nguyễn Trường Tam cho biết: Về khó khăn, đối với sản phẩm không nung được sản xuất trên địa bàn tỉnh, phần lớn sản lượng được sản xuất là cung cấp cho công trình vốn ngân sách Nhà nước, một phần là do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhân lực lao động, khả năng sản xuất của các đơn vị, một phần là nguồn vốn đầu tư công giảm đối với công trình kiến trúc, còn đối với các công trình dân sinh do thói quen sử dụng sản phẩm truyền thống, nên việc sử dụng vật liệu không nung chủ yếu là xây móng công trình và công trình phụ.

Cũng theo ông Tam, để thực hiện tốt việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ, Sở Xây dựng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách khuyến khích phát triển.

Các đơn vị sản xuất vật liệu xây trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thực hiện công bố hợp quy chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Bộ Xây dựng.

Duy Thế