Bộ Giao thông Vận tải vừa đề nghị UBND TP. HCM, UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan góp ý vào dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Bản đồ Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Bản đồ Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Nội dung cần lấy ý kiến gồm: Tính cấp thiết của dự án, quy hoạch tuyến đường, nhu cầu quỹ đất, phương án kết nối các ga và giải pháp giải phóng mặt bằng.

Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, liên danh tư vấn TEDI - TEDIS đề xuất đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 48,2km, trong đó tuyến chính là 41,8km (đoạn đi qua TP. HCM là 11,7km, đoạn qua Đồng Nai 30,8km) và đoạn đường dẫn vào depot (bảo dưỡng, sửa chữa tàu) Cẩm Đường dài 4,4km.

Tuyến có tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,4 tỷ USD (tương đương 84.752 tỷ đồng). Dự án có mục tiêu kết nối Sân bay Long Thành với TP. HCM, đồng thời phát triển đô thị dọc tuyến.

Dự án sẽ có 20 ga, gồm 16 ga trên cao, 4 ga ngầm.

Về hình thức đầu tư dự án, liên danh tư vấn TEDI - TEDIS kiến nghị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước khoảng 58.609 tỷ đồng, chiếm 69% tổng mức đầu tư. Vốn vay ODA khoảng 26.143 tỷ đồng, chiếm 31% tổng mức đầu tư.

Dự kiến, dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ GTVT thẩm định nội bộ quý IV/2024; trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước vào quý I/2025; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào quý II/2025; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt dự án vào quý I/2026; tổ chức giải phóng mặt bằng từ quý II/2026; hoàn thành lựa chọn nhà thầu EPC, khởi công dự án vào quý IV/2026.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dự kiến được xây dựng từ cuối năm 2026 đến năm 2029 và khai thác thương mại vào năm 2030.

Sông Trường (t/h)