Sáng 9/6/2023, tại Khách sạn Fusionsuites (thành phố Vũng Tàu), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức chương trình Hội thảo - Famtrip “Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Bộ đi tìm con đường mới”.
Hội thảo có sự tham gia của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cùng gần 100 đại biểu là lãnh đạo các Sở du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia văn hoá - du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Theo số liệu trình bày tại hội thảo, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ các yếu tố vàng để phát triển du lịch mà hiếm tỉnh, thành nào có được như: vừa có sông, vừa có biển, có núi và có suối nước nóng.
Thời gian vừa qua, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025 giữa 6 tỉnh, thành trong vùng; tổ chức ký kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành như thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội cùng các tỉnh: Đăk Lăk, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận... Đến nay, Tỉnh đã thu hút được 133 dự án đầu tư về du lịch, trong đó có 50 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với loại hình sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị trường du lịch quốc tế. Đến tháng 6 năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.487 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 30 ngàn phòng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt hơn 7 triệu lượt , tăng hơn 17 % so cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú ước đạt trên 2,2 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng, bằng 49,5 % kế hoạch năm, tăng 12 % so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đến từ cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch nêu lên thực trạng, tồn tại, hạn chế, cơ hội, thách thức cũng như giải pháp cho du lịch Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Trong đó, hầu hết ý kiến đều cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa khai thác triệt để tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch thiếu đặc sắc và phát triển có tính tự phát, thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn; không có sản phẩm mới, thừa nghỉ dưỡng, thiếu vui chơi, giải trí, chưa có sản phẩm du lịch về đêm…
Con đường phát triển du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới? theo các đại biểu, để thúc đẩy phát triển du lịch cao cấp, thu hút khách quốc tế theo định hướng đề ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thúc đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển; tăng hệ thống hạ tầng lưu trú cao cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ; quan tâm du lịch Mice, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc giải quyết thủ tục pháp lý khi tổ chức sự kiện tại địa phương, Sở Du lịch nên làm đấu mối, rút ngắn thời gian, để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần; tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục pháp lý về đất đai, quy hoạch để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phát triển sản phẩm du lịch về đêm; cần phong phú sản phẩm thể thao, giải trí trên biển; quản lý, truyền thông để thay đổi với hình ảnh du lịch xanh, du lịch lành mạnh thay vì nạn chặt chém và rác thải. Ngoài ra, với lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, nhiều gợi ý cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch sinh thái và du lịch sức khỏe.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu có 69 dự án dưới tán rừng chưa thực hiện được do rào cản về pháp lý, nếu tháo gỡ được tồn tại để các dự án triển khai thì đây là lợi thế cạnh tranh lớn của tỉnh.
Tuy nhiên với rất nhiều ý kiến đặt ra cho con đường phát triển du lịch Đông Nam Bộ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát triển du lịch bền vững vẫn đặt lên hàng đầu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bà Rịa- Vũng Tàu nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là địa phương có các hoạt động, sản phẩm du lịch gắn với biển – đây là yếu tố vừa mang bản sắc riêng, tạo nên tính khác biệt, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch hỗ trợ bổ sung đối với các địa phương trong vùng, khu vực. Do đó, việc tăng cường các hoạt động liên kết trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương cũng như liên kết giữa Bà Rịa- Vũng Tàu với các địa phương khác theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hướng đi cần thiết hiện nay và đem lại lợi ích phát triển cho hoạt động du lịch địa phương nói chung, tạo thêm khả năng cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Đồng thời, là yếu tố hình thành nên du lịch chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Bến Tre, Bình Phước, Tây Ninh đã ký kết hợp tác quảng bá, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch liên vùng.
Trước đó ngày 8/6, hơn 50 khách mời, đại biểu là các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia văn hoá - du lịch… đã tham gia chương trình Famtrip trải nghiệm những sản phẩm du lịch nổi bật, đã được làm mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu như: Mộ Cá ông và Làng cá Phước Hải; Minera Hot Springs Binh Chau; Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Thiền Viện Chân Không; Trải nghiệm thành phố Vũng Tàu về đêm,… Ngoài ra, tại hội thảo, ban tổ chức trưng bày các sản phẩm du lịch nổi bật của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.
Thanh Huyền