Cảnh đẹp bên đường phà Gót - Cái Viềng
Với những đầu tư chóng mặt của thành phố nhằm ưu tiên cho việc phát triển du lịch, Cát Bà thay đổi từng ngày. Rời khỏi phà Gót – Cái Viềng là con đường trải nhựa nét căng phơi mình dưới nắng, uốn lượn dọc theo bờ biển xanh thơ mộng men theo các xã Hiền Hào, Xuân Đám chạy thẳng về đến trung tâm thị trấn Cát Bà. Cảnh quan hai bên đường còn nguyên vẹn nét hoang sơ, mặn mòi của biển; đẹp không thể cưỡng lại. Chắc chắn bạn sẽ phải dừng xe để check in vài kiểu cho đã thèm.
Trên đường vào trung tâm thị trấn Cát Bà
Đến gần thị trấn, các dãy khách sạn – nhà hàng giờ đã mọc lên rất nhiều, mùi vị hải sản nồng đượm khắp nơi, các tấm biển quảng cáo chói mắt giữa trưa nắng gắt. Cát Bà ầm ập người – xe, nhộn nhịp khác thường; cho dù đây không phải thời điểm nghỉ lễ trong năm mà chỉ là dịp cuối tuần.
Xả đồ ở một khách sạn nhỏ đã được đặt trước (vì các khách sạn trung tâm đã full phòng cả tháng), tài xế của chúng tôi phải đánh ô tô ra bãi đỗ cách đó 5km để gửi xe với mức giá “ưu đãi” 300k/1 đêm. Kể ra thì cũng vẫn ổn, bởi đem được cả ô tô ra ngoài một hòn đảo để du hý vào đúng mùa du lịch cao điểm thì việc trả phí bãi đỗ vậy cũng chẳng có gì ghê gớm.
Cảnh sắc vịnh Lan Hạ
Các dịch vụ vui chơi đẳng cấp như các quán bar, karaoke, các khu ăn uống giải trí đều đã chật kín người. Những gương mặt đỏ gay nhễ nhại mồ hôi nhưng đầy mãn nguyện vì đã trải qua 2 giờ đồng hồ chờ phà dưới cái nắng gắt đầu hè để đến được nơi đây. Ăn uống cũng không quá đắt đỏ, nếu biết lựa chọn hợp lý thì bạn sẽ được thưởng thức những bữa ăn đủ vị với giá khoảng từ 150 - 200k/1 người và khá thoải mái.
Hoàng hôn Cát Bà đẹp mê muội
Cát Bà - sự hòa quyện của thiên nhiên, với vịnh Lan Hạ xanh trong, thuyền bè ra vào tấp nập. Những con đường kè rực rỡ sắc phượng đỏ thắm, bằng lăng tím ngắt nhuộm ánh hoàng hôn. Các bãi tắm nhỏ xinh nép bên ghềnh đá dập dềnh sóng vỗ. Khu di tích pháo đài Thần Công nổi tiếng luôn là nơi du khách không thể bỏ qua, phải đến một lần để khoe những shoot hình sống ảo như trong huyền thoại. Hay lướt đến chinh phục rừng Kim Giao có đỉnh cao 1000m thuộc khu vực bảo tồn vườn quốc gia Cát Bà để trải nghiệm làm phượt thủ…
Du khách tranh thủ sống ảo
Lang thang trên pháo đài thần công
Những shoot hình đẹp như mơ
Khám phá rừng Kim Giao
Trải nghiệm làm phượt thủ
Có lẽ những điều đẹp đẽ đấy thì ai nấy cũng đều đã trải qua khi từng đến với Cát Bà. Còn một trải nghiệm rất thú vị khác chúng tôi muốn đề cập ở đây khi tạm biệt Cát Bà trong chuyến đi vừa qua, đó là khủng hoảng tắc đường cuối tuần. Dù đã được anh bạn cảnh báo trước: hãy về sau 17h chiều chủ nhật nếu không muốn vật vã trên xe, nên chúng tôi chả đi đâu mà vội. Cả đoàn thong thả dạo chơi và vô tư sáng tác các loại hình nghệ thuật. Nhưng ngoài sức tưởng tượng, con đường cách bến phà chỉ 2km sau 18h chiều vẫn kẹt cứng xe và người, tất cả hầu như bất động, có đôi lúc nhích từng mét. Sự phấn khích sau khoảng thời gian vui chơi đã tan biến, thay vào đó là những gương mặt nhăn nhó vì đói và mệt. Nghe mấy người dân bán hàng rong nói đã tắc từ 11 giờ trưa thì chúng tôi mới thực sự hoảng hồn. 10 chiếc phà to nhỏ đủ loại tăng bo hết cỡ vẫn không đủ để giảm tải lượng người - xe đã nhồi về Cát Bà trong 2 ngày cuối tuần.
Thưởng thức kẹt xe đường về
Bằng cách bám đất, bám xe một cách kiên cường không để tụt hậu. Bác tài xế đã đưa chúng tôi vượt biển an toàn vào lúc 22h đêm và không ai bị ngất vì hạ đường huyết. Chúng tôi tự bảo nhau “Nếu biết thế này thì đánh chén thêm một bữa rồi quẩy xả láng xong về vẫn chưa muộn, vừa tránh được nắng nóng, vừa không bị tắc phà”. Bởi sau ngày 12/5 thì phà Gót – Cái Viềng có quyết định chính thức hoạt động 24/24 giờ để phục vụ cho du khách đi lại trong mùa du lịch. Quả là một trải nghiệm độc đáo cho một chuyến nghỉ dưỡng trong mơ.
Đường về còn xa quá
Dù vậy, Cát Bà trong tôi vẫn rất đẹp. Đó là sự hiếu khách của người dân địa phương, là cảnh quan thiên nhiên tạo hóa ban tặng, là sự ổn định của giá cả dịch vụ nơi đây. Có chăng, chỉ một chút biến động của ngoại cảnh mà thôi.
Vương Oanh