Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, đại diện chính quyền TP. Đà Nẵng, các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia, công ty du lịch, lữ hành, hàng không đã cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề như: Thực trạng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019; định hướng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng đến năm 2030; bối cảnh mới tác động đến du lịch; những khó khăn, thách thức trong việc phát triển du lịch; vấn đề phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng; vai trò của Đà Nẵng trong phát triển du lịch miền Trung; liên kết du lịch vùng phụ cận; vấn đề quản lý du lịch theo sức chứa, bảo đảm tính bền vững; công tác bảo đảm môi trường du lịch, du lịch chuyển từ “lượng” sang “chất”…
"Hiện tượng Cầu Vàng" khiến số chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng từ các thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… tăng đột biến
Tính đến tháng 11/2019, trên địa bàn thành phố có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 phòng, 376 đơn vị kinh doanh lữ hành, 4.646 hướng dẫn viên; 85 dự án du lịch đã và đang triển khai đầu tư với 7,2 tỷ USD với nhiều dự án ven biển, khu vui chơi giải trí; sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Năm 2019, tổng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 11.350.662 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2015; có 31 đường bay quốc tế với tần suất 480 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với 670 chuyến/tuần; công tác ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng cao; công tác quản lý nhà nước về du lịch, lữ hành được tăng cường…
Cầu Rồng về đêm
Với nhiều ý kiến, tham vấn của chuyên gia, ý tưởng, đóng góp của đại diện các ban, ngành, công ty du lịch; hội thảo tạo cơ sở để TP. Đà Nẵng xem xét, hoàn thiện Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
Định hướng phát triển du lịch của TP. Đà Nẵng đến năm 2030 là sẽ tập trung tăng số lượng khách phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao; đa dạng hóa các thị trường quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường…
Trong phát triển sản phẩm, ưu tiên theo 4 nhóm sản phẩm chính gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, hội nghị, hội thảo MICE; du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.
Hoàng Gia Bảo