Nghịch lý thị trường thịt lợn

Chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Tại phiên họp, vấn đề thịt lợn rớt giá mạnh trong thời gian qua đã làm nóng hội trường.

Dư nợ ngành chăn nuôi lợn gần 30.000 tỷ đồng - Hình 1

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, giá thịt lợn hơi đang xuống rất thấp, có lúc chỉ bằng 50% mức giá hoàn vốn (giá hoàn vốn là 34.000-35.000 đồng/kg hơi). Trong khi đó tại chợ, siêu thị giá thịt vẫn rất cao, thường là 80.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 100.000 đồng/kg. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để xảy ra tình trạng tương tự, yêu cầu các bộ ngành làm rõ vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, giá thịt lợn hơi giảm mạnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi, kể cả khuyến khích lực lượng vũ trang mua thịt lợn của dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, giá thịt lợn hiện tại đã tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất. Giá thịt đến với người tiêu dùng cũng đã giảm. Các siêu thị như Big C, Sài Gòn Co.op giảm 10-20% so với 10 ngày trước. Đến hiện tại, còn khoảng 400.000 tấn thịt lợn đến ngày xuất chuồng.

Về các giải pháp để phát triển ổn định chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra 3 giải pháp: Kiểm soát heo nái, nâng cao chất lượng, an toàn thịt lợn; tổ chức liên kết chuỗi chăn nuôi, giải quyết tốt vấn đề thị trường cung cầu, không để dư; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn hợp lý.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ đề xuất Chính phủ thay đổi một số cơ chế, chính sách, nhưng quan điểm chung không hỗ trợ trực tiếp, mà qua liên kết chuỗi và theo tín hiệu thị trường. Vấn đề mở thị trường xuất khẩu heo chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ được giải quyết.

Trước thông tin về việc nhập khẩu thịt, các mặt hàng liên quan đến thịt lợn làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, số lượng nhập khẩu thịt lợn không làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Giá thịt nhập khẩu cũng đắt hơn nhiều so với thị trường trong nước (giá bán ở Vinmart là 120.000-130.000 đồng/kg). Năm 2016, Việt Nam chỉ nhập 20 triệu USD với thịt lợn tạm nhập tái xuất. Ban chỉ đạo 389 rất quan tâm và giám sát ngăn việc thông qua tạm nhập tái xuất để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Bộ Công Thương cũng sẵn sàng tạm dừng việc tạm nhập tái xuất với mặt hàng liên quan đến thịt lợn trước mắt, nếu Chính phủ có chủ trương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giải thích lý do về việc thịt lợn Việt Nam không xuất đi được các nước trên thế giới, do chất lượng thịt chưa đáp ứng tiêu chuẩn.

Dư nợ ngành chăn nuôi lợn gần 30.000 tỷ đồng

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề thịt lợn không bán được thì bà con rất quan tâm tới vấn đề lãi suất ngân hàng hiện nay đang phải gánh chịu. Về việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Chúng tôi hiểu rằng hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi lợn trong thời gian vừa qua là một vấn đề được xã hội quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn hơi đã bắt đầu nhích lên, việc giải cứu đã có biện pháp tích cực.

Dư nợ ngành chăn nuôi lợn gần 30.000 tỷ đồng - Hình 2

Dư nợ ngành chăn nuôi lợn gần 30.000 tỷ đồng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: Dư nợ toàn ngành chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, số chính sách là 29.344 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn vay nợ ngân hàng.

Trong đó, dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết. 

Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ.

Ngay từ khi có chuyện các DN, hộ nông dân nuôi lợn không đảm bảo thời hạn trả nợ, NHNN đã cử đoàn đi khảo sát các tỉnh chăn nuôi lớn, xử lý ngay cho các gia đình, DN giãn nợ cho bà con.

NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm giãn, không chuyển nhóm nợ, giữ thời gian cho tiêu thụ sản phẩm đối với nông dân và doanh nghiệp.

Vể hỗ trợ lãi suất, NHNN cho biết căn cứ vào năng lực của từng ngân hàng thương mại, từng trường hợp cụ thể sẽ miễn, giảm lãi vay, kể cả vay đến hạn.

Với người có nhu cầu chăn nuôi tiếp, yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ cho họ tiếp tục vay vốn, với điều kiện chăn nuôi có lãi.

Hoan Nguyễn