THCL Người chăn nuôi lợn lao đao khi giá thịt hơi xuống thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, giá thịt lợn đến tay NTD vẫn ở mức cao. Nghịch lý này khiến cả người chăn nuôi lẫn NTD phải hứng chịu thiệt thòi, còn nhà quản lý đang“bất lực”?

Thịt lợn rẻ chuồng đắt chợ: Người chăn nuôi điêu đứng - Hình 1

Người chăn nuôi & NTD “gánh” thiệt thòi

Giá lợn hơi trên thị trường đang giảm mạnh. Tại các trang trại, lợn hơi có giá 31.000 - 33.000 đồng/kg; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ bán được 30.000 - 31.000 đồng/kg. Tính toán của người chăn nuôi, trung bình nuôi một con lợn đạt 90 kg phải mất hơn 3 tháng, trong đó chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh... đã tốn trên 3 triệu đồng. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang bị lỗ, thậm chí không ít chủ trang trại nuôi nhiều lỗ nặng.

Ông Nguyễn Hữu Phương (xã Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Từ trong Tết, giá thịt lợn giảm thê thảm, có lúc chỉ còn 28.000 đồng/kg thịt hơi, gia đình coi như không có Tết. Hiện tại, gia đình có gần 50 con lợn đã đến ngày xuất chuồng. Giá thịt lợn đã tăng lên hơn 30.000 đồng/kg, nhưng vẫn lỗ khoảng 300.000 - 500.000 đồng/con. 

Anh Nguyễn Danh Huấn, chủ một trang trại nuôi lợn (Lâm Thao, Phú Thọ): Mỗi ngày, một con lợn ăn hết 2,5 kg cám với giá 11.000 đồng/kg. Bán ra cũng lỗ mà giữ lại càng có nguy cơ lỗ hơn. Nhiều trang trại đang phải cho xuất chuồng sớm, cứ khoảng 100 con, lỗ gần 25 triệu đồng, song vẫn phải bán để cắt lỗ”.

Giá lợn hơi giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào như cám, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y... không giảm khiến người chăn nuôi khóc ròng. Theo các chủ trang trại chăn nuôi, nguyên nhân khiến cho giá heo hơi giảm trong thời gian qua, chủ yếu do việc tăng đàn ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến cung vượt cầu. Mặt khác, thương lái Trung Quốc tạm dừng thu mua lợn của nông dân.

Trong khi gia súc, gia cầm tại trang trại của nông dân không bán được, nhiều nơi còn bị ép giá thấp nhất trong hàng chục năm qua, giá thịt đến tay NTD lại ở mức rất cao. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ… hiện thịt heo có giá từ 85.000 - 110.000 đồng/kg, tùy loại. Tương tự, giá gà ta bán tại chuồng là 70.000 - 90.000 đồng/kg, còn tại chợ là 130.000 - 150.000 đồng/kg. Thực tế cho thấy chuỗi tiêu thụ trong chăn nuôi đang có vấn đề.

Theo GS. Nguyễn Mại: Thông thường, nếu giá lợn hơi giảm thì giá thịt cũng giảm theo. Tuy nhiên, tại các chợ, nhất là ở các chợ thành phố, giá gia súc, gia cầm không giảm, thậm chí còn tăng. Với giá bán trên thị trường hiện nay, một con lợn 100 kg, thương lái lãi ít nhất 3 triệu đồng. Còn người chăn nuôi bị lỗ đến hàng triệu đồng.

“NTD đã không hưởng lợi gì khi giá lợn hơi giảm sâu, còn người chăn nuôi thì rơi vào cảnh thua lỗ. Vòng luẩn quẩn này, ai cũng biết nhưng cho đến lúc này, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát để người chăn nuôi bớt rơi vào cảnh khó khăn”, GS. Nguyễn Mại nói.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thì: Nhìn chung, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương trong cả nước hiện nay giảm, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, đặc biệt nhu cầu sử dụng thịt tại bếp ăn các khu công nghiệp giảm 20 - 30%; đồng thời do ảnh hưởng của thông tin có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên nhiều người dân quay lưng với thịt, trứng, nhất là thịt lợn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Nghịch lý thị trường thịt lợn, đó là NTD phải gánh giá cao, bị móc túi; người chăn nuôi thua lỗ, gặp khó khăn, trong khi khâu trung gian được hưởng lợi lớn. Mặt khác, do việc xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc nên hoàn toàn bị động trong đầu ra chăn nuôi.

Ông Phú nói, phải thừa nhận một điều, thực trạng chăn nuôi của bà con nông dân chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, muốn giảm chi phí thì phải đi bằng đường tiểu ngạch. Nếu xuất theo chính ngạch, chi phí sẽ cao hơn. Thêm nữa, việc đàm phán để đưa các sản phẩm của chúng ta vào thị trường theo đường chính ngạch còn rất nhiều khó khăn, dù có đàm phán được thì các sản phẩm cũng sẽ phải đáp ứng các điều kiện rất ngặt nghèo.

Theo các chuyên gia, để từng bước kiểm soát giá cả thị trường, đi đôi với việc thực hiện chính sách bình ổn giá, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ giá thị trường, nhất là tại chợ đầu mối, dân sinh để không tạo ra cơn sốt giá “ảo” gây thiệt hại cho NTD, người nông dân. Doanh nghiệp và nông dân cũng cần liên kết chặt chẽ để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, giảm bớt lợi nhuận ở khâu trung gian (thương lái) với mục đích tăng giá bán ở các trang trại, hộ chăn nuôi và giảm giá bán tại chợ...

Nói về nghịch lý thị trường chăn nuôi, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, do người sản xuất chạy đua theo phong trào, bà con thấy mình có năng lực sản xuất thì đua nhau làm mà không quan tâm đến lúc thu hoạch sẽ bán cho ai.

Thứ hai, việc sản xuất không có sự liên kết giữa người làm ra sản phẩm và phía tiêu thụ. Đặc biệt là nông dân sản xuất, tiêu thụ hầu hết không có hợp đồng rõ ràng với người mua, đơn vị phân phối nên khi làm ra sản phẩm hay bị tư thương ép giá, lũng đoạn.

Thứ ba là vấn đề quy hoạch. Hiện nay, quy hoạch của chúng ta đang bị phá vỡ, không điều chỉnh được. Mặc dù Nhà nước có đưa ra quy hoạch nhưng nông dân không thực hiện theo quy hoạch, các vùng, các địa phương mỗi nơi làm một kiểu, không hề có sự liên kết với nhau…

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để giải quyết được vấn đề rớt giá triền miên, giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để bà con nông dân, người trực tiếp sản xuất liên kết với các doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc làm cần thiết đó là người nông dân phải tuân thủ sản xuất theo đúng quy hoạch; phải có hợp đồng tiêu thụ. Giải pháp cụ thể là chúng ta cố gắng phát triển mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi và liên kết sản xuất bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần quy định đối với các đơn vị xuất khẩu ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu với nông dân, từ đó việc đầu tư nguyên liệu đầu vào, cũng như xử lý đầu ra sẽ ổn định và vững chắc.

Hoan Nguyễn