Luật Đất đai hiện hành còn nhiều bất cập
Việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trong gần 10 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Đáng quan tâm là vấn đề “thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia, công cộng” đã gây ra không ít khiếu nại, khiếu kiện.
Nhằm khắc phục những bất cập trong thu hồi đất hiện nay, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã góp ý, khuyến nghị những điểm mấu chốt cần bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện chưa làm rõ vấn đề “mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Ngoài việc bổ sung các điều kiện ở khoản 5 Điều 67, dự thảo hầu như không thay đổi gì lớn so với Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 mặc dù một số điều khoản đã từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Bên cạnh đó, dự thảo vẫn tiếp tục ghi nhận các quy định về hỗ trợ mang bản chất bồi thường; điều này làm hạn chế việc cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi, khiến việc thực thi các quy định pháp luật khó bảo đảm công bằng, khách quan và dân chủ trong mọi trường hợp.
Điều này cũng chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.
Ngoài ra, dự thảo quy định về nguyên tắc xác định giá đất vẫn không có nguyên tắc “công khai, minh bạch”.
Mặc dù điểm đ khoản 1 Điều 129 dự thảo có quy định nguyên tắc “bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định” nhưng các quy định này không đủ tạo ra cơ chế để bảo đảm việc tư vấn này là “độc lập, khách quan, trung thực” như trong quy định mà dự thảo đã nêu ra.
Nêu những bất cập của Luật đất đai năm 2013 gây ra những hậu quả to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, ông Lưu Bình Dưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, đây là một trong những môi trường rất thuận lợi để cán bộ, công chức thoái hóa biến chất thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.
“Có lẽ không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai. Do đó, không thể không nhanh chóng thông qua Luật đất đai sửa đổi vì đây là vấn đề rất bức thiết”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ông, vướng mắc, khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc. Việc này mang lại lợi ích cho cả đất nước, xã hội nhưng lại gây bất công cho chính người sử dụng đất vì cách thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc là cách thu hồi nhanh nhất, dễ nhất, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng nhất, nhưng giá trị mang lại cho người sử dụng đất lại ít nhất.
“Trong khi cả xã hội được hưởng lợi thì một bộ phận lại chịu thiệt thòi. Rõ ràng, câu chuyện đặt ra trong dự thảo luật lần này là phải đảm bảo cho người dân: có nơi ở, thu nhập, điều kiện sống. 3 vấn đề này thực ra vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng, nhưng rõ ràng đây là điều vô cùng khó khăn. Đề nghị ghi vào trong luật một cách rành rẽ vấn đề này”, ông Lưu Bình Nhưỡng đồng thời kiến nghị cần quy định việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, tái định cư được phê duyệt...
Chính sách, pháp luật về đất đai còn chồng chéo, chưa thống nhất
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước. Dù vậy, sau giai đoạn lấy ý kiến phản biện, góp ý đầu tiên, có ý kiến cho rằng, nhiều quy định của dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW; do đó cần phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các tác động và cụ thể hóa chính sách đất đai bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
"Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo được không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, cũng như giảm tối đa thủ tục hành chính", Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, qua rà soát Luật đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật đất đai) đã thấy có 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa luật đất đai và luật nhà ở. Cụ thể như Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện đang có quy định khác nhau về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Luật Đất đai và dự thảo không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Luật Nhà ở thì quy định người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, sẽ tiếp tục vướng mắc trong triển khai thực tế.
“Về thời hạn có hiệu lực đối với giao dịch quyền sử dụng đất, Luật Đất đai và Luật Nhà ở cũng quy định không giống nhau. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai có hiệu lực từ thời điểm đăng ký địa chính, nhưng theo Luật Nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua thanh toán nghĩa vụ tài chính”, ông Nguyễn Văn Hậu dẫn chứng thêm.
Đồng tình với quan điểm các Luật còn chồng chéo và cần sửa đổi cho thống nhất, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và Trợ giúp Pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang có một số vướng mắc, quy định chồng chéo. Ví dụ trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63,64,65) có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và nhiều Luật liên quan như: Luật Đầu tư (năm 2020), Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng... “Do đó sắp tới, khi sửa đổi Luật Đất đai, cần nghiên cứu tính đồng bộ và tính thống nhất trong quá trình vận hành và điều chỉnh của các luật liên quan", bà Đặng Thị Ngọc Hạnh đề xuất.
Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với hệ thống pháp luật
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, những tư tưởng của Nghị quyết 18 đã được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, ông Tuyến băn khoăn về tính khả thi, bởi vì đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai mà còn chịu sự quy chiếu, điều chỉnh của những luật khác có liên quan như Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu...
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã quy định về nội dung những trường hợp nào đấu giá quyền sử dụng đất, những trường hợp nào không đấu giá, những trường hợp nào đấu thầu. Trình tự thủ tục đấu giá, đấu thầu lại liên quan đến các luật chuyên ngành khác. Vì vậy, ông Tuyến cho rằng: “Sửa Luật Đất đai là vấn đề cần, nhưng chưa đủ, vì sửa Luật Đất đai phải rà soát sửa Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan. Nếu cho rằng chỉ sửa Luật Đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất, thông qua đấu giá, đấu thầu sẽ giải quyết, khắc phục được những khuyết thiếu, trở ngại thực tế hiện nay đang đặt ra, là chưa đúng”.
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Dự thảo hiện nay vẫn còn quá lạm dụng nội dung “Nhà nước quy định chi tiết điều này”, gây gánh nặng phải bảo đảm ban hành cùng lúc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, điều này có nguy cơ khiến cho nội dung và tính khả thi của các quy định này bị giảm sút, cản trở cho việc áp dụng pháp luật.
Luật sư Hậu kiến nghị Ban soạn thảo rà soát song song lại một lần nữa giữa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với quy định hiện hành và chính sách, chủ trương của Đảng để tăng tính phù hợp của dự thảo. Đề nghị hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong luật mà đưa vào nghị định, đặc biệt là chế độ pháp lý của các loại đất (đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; đất xử lý chất thải; đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ;...).
Cần phải rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất công sử dụng không đúng mục đích; đất lấn biển đấu giá hay giao cho chủ đầu tư, khi thu hồi sẽ bồi thường như thế nào... Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, cần thiết phải có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết đi kèm, áp dụng nguyên tắc 1 luật sửa nhiều luật.
Lê Pháp (T/h)