Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện các thị trường đều có xu hướng bảo hộ rõ rệt trong ngành thương mại. Với mặt hàng gạo, bên cạnh thuế quan thì các thị trường còn dựng lên các hàng rào về tiêu chuẩn, chất lượng, mỗi thị trường có những tiêu chí riêng.

Đứng trước thách thức, thị trường gạo Việt cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững - Hình 1

Sản phẩm gạo của Việt Nam chưa cao là do người nông dân chưa tiếp cận được nhiều biện pháp hướng dẫn

Trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký, gạo là một trong những mặt hàng luôn được các bên đàm phán quan tâm. Độ mở thị trường gạo còn khá khiêm tốn. Dù Việt Nam đã đạt được những dòng thuế khả quan, nhưng tuỳ thị trường mà có những quy định riêng. Như với thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu mặt hàng gạo xuất khẩu phải theo hạn ngạch. Các thị trường khác cũng đưa ra những tiêu chuẩn riêng yêu cầu mặt hàng gạo tuân thủ.

Do đó, ông Hải cho rằng, để đáp ứng các quy định của các nước thì không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải đáp ứng các năng lực về sản xuất, xay xát, đảm bảo chất lượng sản phẩm gạo.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam - ông Weraphon Charoenpanit nhận định, chất lượng sản phẩm gạo của Việt Nam chưa cao là do người nông dân chưa tiếp cận được nhiều biện pháp hướng dẫn.

Cũng theo ông Weraphon Charoenpanit, ở nhiều nước như Thái Lan, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sau nhiều năm, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan và trong điều kiện giá gạo của nhiều cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới đều giảm thì gạo Việt Nam lại lội ngược dòng tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay. Theo báo cáo đánh giá tình hình xuất khẩu nông sản trong 10 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngoài nguyên nhân nhu cầu gạo thế giới tăng còn một lý do quan trọng là việc cơ cấu lại sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của Việt Nam theo hướng giảm gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng mạnh gạo chất lượng cao, gạo thơm và gạo đặc sản trong những năm qua.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 6,62% nhưng xét về trị giá lại tăng trên 21% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.

Cụ thể, gạo thơm các loại chiếm tới gần 31%, gạo cao cấp chiếm 22,4%...Theo số liệu 9 tháng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy gạo cấp thấp và cấp trung bình chỉ còn chiếm khoảng 20,5% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngọc Linh