Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Theo ông Thắng, để giải quyết thực trạng này, cần nhiều thời gian. Bởi thực tế, kinh nghiệm từ các thành phố lớn có tiềm lực kinh tế như Tokyo, Bắc Kinh, cũng mất một thời gian dài mới giải quyết được vấn đề ùn tắc.
![Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bất ngờ khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo lãi 100 tỷ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bất ngờ khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông báo lãi 100 tỷ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/06/08/duong-sat-cat-linh-ha-dong-1-1686223385.jpg)
Với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phải quản lý, siết chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. "Nếu không kiểm soát quy hoạch đô thị, vùng trung tâm, đô thị lõi tiếp tục mọc lên các khu đô thị, nhà cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn", ông Thắng lo ngại.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, dù Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rất cố gắng nhưng hiện chỉ dành được 8-9% đất cho giao thông, trong khi mục tiêu đặt ra từ 16-26%. Đặc biệt, bãi đỗ xe ở hai thành phố cũng rất khiêm tốn.
Người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh, giao thông công cộng rất cần thiết cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với hai thành phố này phát triển giao thông công cộng, trong đó là đường sắt đô thị.
“Tôi rất bất ngờ, sau 19 tháng vận hành, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hàng ngày có 31.000 - 33.000 người đi, cao điểm 55.000 người/ngày. Tàu chạy 6 phút/chuyến, lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng” - Bộ trưởng chia sẻ.
Cùng với phát triển giao thông công cộng, theo Bộ trưởng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần sắp xếp mở rộng không gian ra bên ngoài, cùng với làm đường Vành đai 3 và 4 để các phương tiện không phải đi vào nội thành.
Thiên Trường