Tuyến đường sắt này khi khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h - 23h hằng ngày. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một đoàn tàu cập ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.Theo tính toán, đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ. Như vậy, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.
Về giá vé tuyến đường sắt đô thị này, ông Ngọc cho biết HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.
Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi kilomet tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được các cơ quan liên quan cấp chứng nhận phòng cháy, chữa cháy của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; hoàn thành đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Phía Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, diễn tập ngoài hiện trường; bổ sung các biển chỉ dân cho người khuyết tật...
Trước đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho Hà Nội nhanh nhất ngay trong tháng 4/2021, để đến cuối tháng này có thể vận hành thương mại.
Thiên Tân