ECB cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019
ECB cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019

Cùng với các ngân hàng Trung ương Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã bắt đầu cắt giảm lãi suất sau chu kỳ tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát, ECB đã hạ lãi suất tiền gửi 25 điểm cơ bản từ mức cao kỷ lục xuống còn 3,75%.

Động thái mới nhất này được xem là sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng, nhưng áp lực về giá và tiền lương kéo dài đang cản trở triển vọng và có thể buộc ngân hàng trung ương khu vực đồng euro phải đợi nhiều tháng trước khi tiếp tục cắt giảm lãi suất

“Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục tuân theo cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu và từng cuộc họp để xác định mức độ và thời gian hạn chế phù hợp”, ECB cho biết trong một tuyên bố.

Trong khi ECB tiếp tục để ngỏ các khả năng thay đổi chính sách trong tháng 7, một loạt nhà hoạch định chính sách có ảnh hưởng, bao gồm thành viên hội đồng quản trị Isabel Schnabel và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot đã đưa ra lý do tạm dừng tăng lãi suất vào tháng tới, và điều này cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào tháng 9.

Các nhà kinh tế nhận thấy ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay, nhiều khả năng là vào tháng 9 và tháng 12, đây một thay đổi lớn so với đầu năm khi dự kiến ​​sẽ có hơn 5 lần cắt giảm lãi suất.

ECB cho biết: “Các quyết định về lãi suất sẽ dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát dựa trên dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của việc truyền tải chính sách tiền tệ… Hội đồng quản trị không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể”.

Một phần sự thận trọng có thể là do lạm phát dai dẳng ngoài dự kiến. ECB cũng đã nâng dự báo lạm phát năm 2025 từ mức 2% lên 2,2%.

ECB cho biết: “Bất chấp tiến bộ trong những quý gần đây, áp lực giá cả trong nước vẫn mạnh do tăng trưởng tiền lương tăng cao và lạm phát có thể sẽ cao hơn mục tiêu trong năm tới”.

Một số nhà kinh tế cho rằng rủi ro lớn nhất đối với lịch trình cắt giảm lãi suất thực sự là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chứ không phải tiền lương và lạm phát.

Fed đã báo hiệu rõ ràng về sự chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách và việc trì hoãn hơn nữa việc cắt giảm lãi suất của Mỹ có thể sẽ khiến ECB thận trọng hơn, vì chênh lệch lãi suất ngày càng lớn sẽ làm suy yếu đồng euro và làm tăng lạm phát nhập khẩu. Biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed cũng cho thấy sự không chắc chắn đang diễn ra về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Klaas Knot, thành viên hội đồng quản trị ECB cho biết: “Nếu chúng tôi cắt giảm mạnh mẽ hơn Fed, điều đó có thể dẫn đến tỷ giá hối đoái thấp hơn ở phía chúng tôi, dẫn đến lạm phát…, nhưng việc Fed cắt giảm ít hơn đồng nghĩa với việc các điều kiện trên toàn cầu sẽ thắt chặt hơn. Nếu Fed cắt giảm ít hơn dự kiến, chúng ta sẽ nhận được hai tác động trái ngược nhau…và không rõ chính sách của Fed sẽ chuyển biến nhiều hơn theo hướng này hay hướng khác”.

Ngân hàng Canada đã cắt giảm lãi suất vào thứ Tư (5/6) và cho biết có thể sẽ có nhiều động thái hơn, đây cũng là ngân hàng trung ương G7 đầu tiên thực hiện nới lỏng kể từ cú sốc lạm phát toàn cầu lớn nhất kể từ những năm 1970 nổ ra. Ở Châu Âu, Riksbank của Thụy Điển và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nằm trong số những ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hà Trần (t/h)