Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA dự kiến, sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Cũng theo Bộ Công Thương, với Hiệp định EVFTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với các ngành.

Ngành nông thủy sản: EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam, cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2% trong giai đoạn 2020 - 2030).

Ngành chế biến chế tạo: Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Đối với ngành da giầy, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Riêng đối với ngành logistics, Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải và cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.

 T.N