Tháng 11 vừa qua, tình hình tiêu thụ điện có dấu hiệu tăng trưởng trở lại so với các tháng trước sau khi kinh tế xã hội từng bước hồi phục trong trạng thái bình thường mới. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 11/2021 đạt 20,71 tỷ kWh (tương đương khoảng 690,3 triệu kWh/ngày), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng đạt 233,67 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 113,48 tỷ kWh, chiếm 48,56% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Mức độ và tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện chính trong hệ thống điện quốc gia trong 11 tháng qua như sau:
Thủy điện đạt 72,04 tỷ kWh, chiếm 30,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Nhiệt điện than đạt 108,32 tỷ kWh, chiếm 46,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tua bin khí đạt 24,36 tỷ kWh, chiếm 10,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 26,88 tỷ kWh, chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 24,46 tỷ kWh, điện gió đạt 2,27 tỷ kWh).
Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.
Điện nhập khẩu đạt 1,34 tỷ kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 11/2021 ước đạt 19,03 tỷ kWh, tăng 4,59% so với tháng 11/2020. Luỹ kế 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện truyền tải tháng 11/2021 đạt 15,92 tỷ kWh. Lũy kế 11 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 184,01 tỷ kWh, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước.
Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, trong 11 tháng năm 2021, các Tổng Công ty Điện lực đã tiếp nhận gần 14 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó các yêu cầu tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công là trên 12,57 triệu yêu cầu (chiếm 99,66%); chỉ có 0,34% tổng số yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại các phòng giao dịch khách hàng. Riêng việc tiếp nhận qua kênh internet (Cổng Dịch vụ công quốc gia, website Chăm sóc khách hàng, App Chăm sóc khách hàng, Zalo…), số lượng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết chiếm 45,60%.
Đến hết tháng 11 năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 81,45%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt đạt 94,72%.
Về đầu tư xây dựng, tháng 11/2021, các đơn vị tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vướng mắc GPMB, trong công tác thi công do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Lũy kế 11 tháng năm 2021 đã khởi công 119 công trình lưới điện; hoàn thành đóng điện 110 công trình lưới điện 110-500 kV (gồm: 9 công trình 500 kV, 20 công trình 220 kV và 81 công trình 110 kV). Trong đó đã đóng điện lắp máy biến áp 500/220 kV liên lạc tại sân phân phối 500/220 kV Long Phú; đóng điện giai đoạn 2 đường dây 220kV Phả Lại - Bắc Ninh; đóng điện máy biến áp T2 trạm biến áp 110 kV Tĩnh Gia 2, máy biến áp T2 - 40 MVA trạm biến áp 110 kV Nha Mân, máy biến áp T2 và các thiết bị trạm biến áp 110kV Mường La, nâng công suất máy biến áp 110/35/22 kV - 40 MVA trạm biến áp 220 kV Ngũ Hành Sơn; đóng điện đường dây 110 kV trạm biến áp 220 kV Krông Ana - trạm biến áp 110 kV Krông Păk, trạm biến áp 110 kV Phước Long và đường dây đấu nối...
Về công tác an sinh xã hội, EVN đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng do tác động của dịch Covid-19, song EVN đã thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt (năm 2020 - 2021), với tổng số tiền hơn 16.950 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đã ủng hộ khoảng 575 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 400 tỷ đồng, ủng hộ 24.000 máy tính (tương đương 60 tỷ đồng) cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Ngoài ra, EVN đã vinh dự nhận được giải thưởng ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (VIETNAM DIGITAL AWARDS) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức. Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc được trao cho doanh nghiệp có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường làm việc, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
Tháng 12/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống dự kiến ở mức 700,5 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 37.071 MW.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 12/2021: Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo sản xuất, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung Covid-19.
Khai thác thủy điện đảm bảo an toàn trong vận hành, an toàn chống lũ cho hạ du và đảm bảo cấp nước hạ du, mục tiêu tích nước vào cuối năm.
Huy động cao các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc trong để đảm bảo mục tiêu tích nước các hồ thủy điện miền Bắc.
Huy động tua bin khí theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo duy trì ổn định hệ thống, các ràng buộc chống quá tải lưới điện và chất lượng điện áp.
Về công tác đầu tư xây dựng: Đôn đốc các đơn vị khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và các công trình lưới điện cấp bách, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo. Tiếp tục triển khai thủ tục thu xếp vốn vay cho các dự án nguồn điện và lưới điện.
Trong tháng 12/2021, các đơn vị tích cực triển thực hiện tốt chương trình Tháng tri ân khách hàng 2021 với chủ đề “Đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”; chương trình hiến máu nhân đạo “Tuần lễ Hồng EVN lần thứ VII - 2021” với thông điệp “Vạn trái tim - Một tấm lòng”;
Ngoài ra, EVN tiếp tục chỉ đạo các Tổng Công ty, Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa…
Minh Anh