Business Insider dẫn nhận định của một cựu tướng Mỹ cho rằng, những tiêm kích F-16 cũ mà các đối tác phương Tây cung cấp cho Ukraine không thể sánh được với các máy bay chiến đấu tốt nhất của Nga.
F-16 lép vế trước chiến đấu cơ tốt nhất của Nga
Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Gordon Skip Davis Jr, hiện là học giả cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu cho rằng, các máy bay F-16 mà Ukraine đã bắt đầu nhận được từ các nước phương Tây là máy bay tiên tiến nhất mà Kiev có trong kho vũ khí, được trang bị bom và tên lửa mạnh hơn. Nhưng máy bay tốt nhất của Nga vẫn vượt trội hơn.
Dự kiến có khoảng 20 máy bay F-16 được chuyển giao cho Ukraine đến cuối năm nay. Không thể phủ nhận chiến đấu cơ F-16 của Ukraine "đang tạo ra sự khác biệt trên chiến trường”, nhưng chúng “có một số vấn đề về tầm bay và dễ bị tấn công", ông Davis lưu ý. “Ngay cả những hệ thống tốt nhất mà chúng tôi có thể lắp trên những máy bay đó cũng không giúp chúng vượt trội hơn so với một số máy bay tốt nhất mà Nga đang sử dụng".
Hiện, Mỹ và Châu Âu đã cung cấp cho Ukraine những tiêm kích F-16 cũ, với khả năng hạn chế hơn, đặc biệt là hệ thống radar yếu hơn. Trong khi đó, Nga sở hữu “hàng trăm máy bay khá tiên tiến", chẳng hạn như Su-35S – một chiến đấu cơ hiện đại được thiết kế để săn máy bay tàng hình của Mỹ hay Su-30S - máy bay chiến đấu đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012 và MiG-31 - máy bay đánh chặn siêu thanh.
Theo ông Davis, những chiến đấu cơ này, cùng với các khẩu đội tên lửa đất đối không đáng gờm của Nga đều gây ra mối đe dọa đáng kể cho F-16. Những máy bay tiên tiến mà Nga sở hữu “có tên lửa và radar với tầm bao phủ rộng lớn, có khả năng tấn công hoặc bắn hạ F-16”. “Đây thực sự là vấn đề lớn với Kiev”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhiều máy bay Nga được tích hợp tên lửa không đối không R-37M có tầm bắn xa hơn so với tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Bất lợi của chiến đấu cơ F-16 cũ
Máy bay F-16 của Ukraine, có giá từ 20 đến 70 triệu USD mỗi chiếc, thuộc thế hệ cũ hơn nhiều so với những chiến đấu cơ cùng loại đang phục vụ trong phi đội của các nước phương Tây. Mỹ và nhiều đồng minh của nước này hiện đang tìm cách thay thế F-16 bằng tiêm kích F-35 tiên tiến và hiện đại hơn.
Hồi tháng 8/2024, Tờ Wall Street Journal đưa tin, nhiều máy bay F-16 của Ukraine "là máy bay cũ và đã có hàng thập kỷ hoạt động trên bầu trời".
Ông Michael Bohnert, một chuyên gia về chiến tranh trên không tại Tập đoàn RAND, mô tả “những máy bay cũ nhưng điều này không có nghĩa là chúng tệ". Song ông cảnh báo rằng, "máy bay càng có tuổi đời cao thì chúng càng gặp nhiều vấn đề hơn".
Với những tiêm kích F-16 mới, các đối tác của Ukaine đã cung cấp cho chúng một số hệ thống tiên tiến, đặc biệt là trang bị cho chúng các khả năng tác chiến điện tử mới. Ông Davis lưu ý, sự cải tiến này rất "quan trọng đối với khả năng cơ động của F-16 để chúng có thể tiếp cận mục tiêu, xác định các hệ thống phòng không trên mặt đất và tên lửa đang bay tới, sau đó gây nhiễu chúng và đưa ra phản ứng phù hợp, tấn công hoặc bảo vệ máy bay".
Những chiếc F-16 mà Ukraine tiếp nhận cũng có thể trở nên mạnh hơn nếu được trang bị vũ khí hiện đại. Một số thông tin cho biết, Mỹ đang cân nhắc việc cung cấp tên lửa Tên lửa hành trình phóng từ trên không tầm xa AGM-158 (AGM-158 JASSM ) cho Ukraine, giúp F-16 có khả năng tấn công tầm xa hơn.
Song ông David cho rằng, F-16 của Ukraine vẫn ở thế bất lợi. "Ngay cả khi được cung cấp khả năng tối đa về đạn dược, khả năng tác chiến điện tử, F-16 của Ukraine vẫn dễ bị tấn công trước hệ thống phòng thủ trên mặt đất và một số máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga”.
Vai trò của máy bay F-16 bị hạn chế
Những thách thức mà F-16 của Ukraine phải đối mặt một phần liên quan bản chất của cuộc chiến và cách máy bay được sử dụng.
Cả Nga và Ukraine đã triển khai rộng rãi hệ thống phòng không, buộc máy bay của đối phương phải tránh xa tiền tuyến, khiến các cuộc không chiến ít có khả năng xảy ra. Nhưng Nga vẫn có lợi thế hơn khi sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công vì kho vũ khí dành cho máy bay của họ dồi dào hơn so với Ukraine.
Tuy vậy, Moscow đã giữ nhiều máy bay tiên tiến của nước này tránh xa các cuộc giao tranh ác liệt, thay vào đó, họ phóng tên lửa tầm xa từ không phận Nga hoặc tấn công các vị trí của Ukraine bằng bom lượn thả bên ngoài tầm bao phủ của hệ thống phòng không Ukraine.
Ukraine dường như cũng đang giữ những tiêm kích F-16 của nước này tránh xa các hệ thống phòng không mạnh mẽ của Nga. Chuyên gia Davis lưu ý, để giúp Ukraine giải quyết tình trạng bất cân xứng này, điều duy nhất mà các nước phương Tây cần làm là cho phép Kiev tấn công hệ thống phòng không của Nga bằng vũ khí tầm xa. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết suốt thời gian qua.
Các chuyên gia về chiến tranh trên không đánh giá, ranh giới đỏ mà phương Tây đặt ra khiến F-16 kém hiệu quả hơn, vì chúng dễ bị tấn công khi ở trên không và ít có khả năng bay gần mặt trận hơn.
Theo Business Insider/Wall Street Journal