Thời gian qua, tình trạng vi phạm quảng cáo TPCN đã trở thành báo động, việc quảng cáo TPCN sai khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không hề nhỏ.

Chính vì thế, mới đây đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) GS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Ngay sau khi đại diện Cục An toàn thực phẩm làm việc với đại diện Facebook, mạng xã hội này cũng đã có những động thái siết chặt quảng cáo đối với thực phẩm chức năng, thuốc đông y.... Nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng này cũng đã xóa fanpage chuyên quảng cáo và các video quảng cáo giả mạo”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bởi, TPCN chỉ hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhưng được quảng cáo là "trị bệnh", "dùng một liều là khỏi", "đông y trị nhức xương khớp"...

Do Facebook đặt máy chủ tại nước ngoài nên việc can thiệp, gỡ bỏ quảng cáo sản phẩm từ phía cơ quan quản lý gặp khó khăn.

Bộ Y tế đã tìm cách phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác, cũng như phối hợp với Facebook để xử lý tình trạng này.

Đến nay, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các website, tài khoản vi phạm.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN chữa được bệnh vừa sai quy định của pháp luật vừa là hành vi bất chấp luân thường đạo lý, là hành vi bất chấp lợi nhuận để lừa dối người tiêu dùng, kể cả những người không may mắn mang bệnh và có hoàn cảnh khó khăn.

Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống.

Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn.

Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, tình trạng tràn lan quảng cáo trên Facebook, mạng xã hội và các website đã làm đau đầu các nhà quản lý lâu nay.

Trong quá trình làm việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng để rà soát những sai phạm này, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo cố hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật.

 Nguyên An