Vốn đầu tư tăng thêm và mua cổ phần tăng mạnh

Trong cơ cấu vốn FDI, vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, có 401 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 44,8%, với tổng vốn đầu tư bổ sung đạt gần 5,16 tỷ USD — cao gấp 5,1 lần cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng sôi động với 810 giao dịch, tăng 11,6% và đạt tổng giá trị gần 1,49 tỷ USD, tăng tới 83,7% so với quý I/2024.

Tuy vốn đăng ký mới chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm 31,5% so với cùng kỳ, nhưng xu hướng đang có dấu hiệu cải thiện. Trong tháng 3/2025, lượng vốn đầu tư mới tăng 66,5% so với tháng 1 và gấp 2,4 lần tháng 2. Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng.

Công nghiệp chế biến, bất động sản tiếp tục hút vốn

Trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, có 18 ngành thu hút vốn FDI. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 62% tổng vốn FDI, tăng 26% so với cùng kỳ. Ngành bất động sản đứng thứ hai với 2,39 tỷ USD, tăng 44,1%, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư.

Các lĩnh vực khác như hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ; bán buôn, bán lẻ cũng lần lượt thu hút gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD.

Singapore dẫn đầu, Hà Nội bứt phá

Trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn hơn 3 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 3,8%. Hàn Quốc giữ vị trí thứ hai với gần 2,04 tỷ USD, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Về địa phương thu hút FDI, Bắc Ninh, TP.HCM và Hà Nội là ba địa phương dẫn đầu. Riêng Hà Nội đã thu hút gần 1,42 tỷ USD trong quý I/2025, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thành phố có 81 dự án mới với vốn đăng ký 29 triệu USD, 34 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 1.165 triệu USD và 83 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá 221 triệu USD.

Phương Thảo (t/h)