Ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện các quyền trên là ngày 13/6, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 20/6.
Cụ thể, Công ty sẽ chia cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng. Như vậy, với xấp xỉ 1.270 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, FPT sẽ phải chi tương ứng khoảng 1.270 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, vào giữa tháng 9/2023, Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 cũng với tỷ lệ 10% bằng tiền.
Đồng thời, FPT dự kiến sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20:3, tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới. Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên BCTC kiểm toán 2023.
Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu FPT đã có chuỗi ngày thăng hoa. Nếu tính trong khoảng 1 năm qua, thị giá cổ phiếu FPT đã lên gấp đôi, tạm đứng tại mức giá 139.000 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao kỷ lục mới của cổ phiếu này. Tính tại mức giá này, vốn hóa của FPT là 176.530 tỷ đồng, thuộc top 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Về hoạt động kinh doanh, mới đây Công ty đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024 với doanh thu ước đạt 18.989 tỷ đồng; tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.447 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.932 tỷ đồng, cùng tăng 19,7%.
Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Với kết quả đạt được sau 4 tháng đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện khoảng 31% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Hà Trần (t/h)