Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ngày 11/9, ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến hết ngày 10/9, có hơn 11.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.650 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi). Số này chiếm 5,6% tổng dư nợ trên địa bàn.
Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: 6.270 khách hàng; dư nợ 1.463 tỷ đồng; bằng 13,73 7% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng: 533 khách hàng; dư nợ 5.243 tỷ đồng; bằng 49,12% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: 4.255 khách hàng; dư nợ 3.948 tỷ đồng; bằng 37,05% dự nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Còn theo bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hải Phòng, địa phương này có 890 khách hàng với tổng dư nợ hơn 15.680 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào 4 ngành nghề.
Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản: 1.965 tỷ đồng, bằng 12,5% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại: 10.805 tỷ đồng, bằng 68,9% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão (chủ yếu Nhà xưởng sản xuất, hàng hóa, máy móc bị hư hại ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và kinh doanh của khách hàng sau bão).
Lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sông, đường biển: 1.816 tỷ đồng, bằng 11,6% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Lĩnh vực kinh doanh khách sạn, homestay: 1.100 tỷ đồng, bằng 7% dư nợ bị ảnh hưởng sau bão.
Như vậy, theo thống kê sơ bộ, tại Hải Phòng và Quảng Ninh hiện có khoảng 12.000 khách vay, với tổng dư nợ hơn 26.000 tỷ bị thiệt hại sau bão Yagi.
Riêng tại VietinBank, nhà băng này thống kê có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 18.000 tỷ bị ảnh hưởng. Phó Tổng giám đốc Lê Duy Hải cho biết sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại trên toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ đẩy nhanh đền bù, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Tại cuộc làm việc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị nhanh chóng rà soát từng khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm nguyện vọng, đề xuất của họ. "Ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành "chỗ dựa" cho doanh nghiệp", ông Tú nói, thêm rằng ngành lúc này cần hỗ trợ để người dân phục hồi sản xuất, làm ăn, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ, hỗ trợ khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Người dân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái...) sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.