Theo thông tin từ cảng Cát Lái - Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 – Cục Hải quan TP.HCM cho biết, 2.000 container vô chủ tại cảng Cát Lái đã được đưa về tập kết tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).

Số container này, đang được các đơn vị hải quan phối hợp với Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tiến hành kiểm kê, mở container để xác định hàng phế liệu hay phế thải, để có hướng xử lý tiếp theo. Việc kiểm tra phân loại dự kiến mất khoảng nửa tháng.

Gần 3.000 container phế liệu trong tình trạng vô chủ tại cảng Cát Lái - Hình 1

Hơn 2.700 container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái

Ngoài ra, tại cảng Cát Lái, tính đến hết tháng 10, có gần 2.800 container chứa phế liệu tồn đọng quá 90 ngày trong đó chỉ riêng phế liệu nhựa có tới gần 2.700 container. Cục Hải quan TP.HCM cho biết, nếu không có biện pháp cương quyết siết nhập khẩu phế liệu từ tháng 6 đến nay, lượng hàng phế liệu ùn ứ tại cảng không biết bao nhiêu mà tính.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, với lô hàng có thông tin mô tả hàng hóa trên bản e-manifest liên quan đến hàng đã qua sử dụng là máy móc, sắt, thép, nhựa, giấy… có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị hải quan phải “đặc biệt quan tâm” hơn.

Đa số hàng phế liệu tồn tại cảng là nhựa phế liệu tạp chất, mặt hàng cấm nhập vào Việt Nam. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ TN-MT ban hành, có hiệu lực từ cuối tháng 10, các loại phế liệu nhựa muốn nhập về Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về phân loại và làm sạch. Từng khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phải được sắp xếp tách riêng trong lô hàng hoặc container nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra tại địa điểm đăng ký theo quy định của pháp luật.

Phế liệu nhựa nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế. Cũng theo Quy chuẩn mới, các loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu vào Việt Nam gồm: các loại nhựa đã qua sử dụng mà không được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất như quy định. Đặc biệt, vỏ nhựa của các thiết bị, đồ dùng điện tử đã qua sử dụng như: tivi, máy tính, thiết bị văn phòng...

Trong quá trình kiểm tra, Hải quan phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhập phế liệu nhưng chưa được cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất" dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu được. Chưa kể việc nhiều container trong tình trạng vô chủ khi hải quan không thể liên lạc được với doanh nghiệp.

Hiện Hải quan TPHCM và Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị khai thác cảng Cát Lái) đang tích cực giải quyết số container phế liệu tồn đọng để giải phóng mặt bằng cho cảng Cát Lái và tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khó khăn lớn nhất là lượng hàng tồn đọng lẫn lộn nhiều loại. Do vậy cần sự phối hợp với các cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý môi trường để giải quyết.

Đối với phế liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu sẽ thực hiện bán thanh lý; phế thải, phế liệu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ buộc các hãng tàu vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.

Hải Đăng