Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tính tới thời điểm 3/10, nhiều người dùng vẫn phản ánh về tình trạng: Mất nhiều thời gian để nhận mã OTP từ đó không thể kích hoạt được ứng dụng; hiển thị đồng bộ hoá dữ liệu nhưng không thực hiện thành công; chưa cập nhật đầy đủ về số lượng mũi tiêm chủng...

Nói về những lỗi trên, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia cho rằng, với việc “thần tốc” đưa ra một ứng dụng được liên thông với nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu lớn thì những trục trặc phát sinh là không thể tránh khỏi. Quá trình chuyển đổi dữ liệu của vài chục triệu người dùng từ nhiều hệ thống rất khó tránh khỏi sự thiếu đồng bộ ở thời điểm ban đầu.

Trong ngày đầu tiên PC-Covid được đưa ra cho người dùng sử dụng (30/9) đã có tới 1,7 triệu lượt tải cùng nhiều phản ánh về những vấn đề phát sinh. Ngay trong ngày hôm đó, đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia đã túc trực cả đêm nhằm nỗ lực nâng cấp hạ tầng nhằm giảm thiểu lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng PC-Covid của người dùng.

Bên cạnh đó, những trục trặc của PC-Covid còn đến từ công đoạn kết nối dữ liệu với các hệ thống y tế địa phương. Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm trên cả nước không quản lý dữ liệu cá nhân của người dân bằng nền tảng công nghệ đã có mà thay vào đó là thao tác thủ công với việc nhập dữ liệu bằng giấy hoặc file Excel.

Từ đó, khi nhập các dữ liệu trên vào nền tảng công nghệ sẽ khó tránh được chậm trễ hoặc sai sót không đáng có. Một ví dụ là nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến, tính đến đầu tháng 9, mới có 18 tỉnh, thành triển khai ở các mức độ khác nhau, còn tới 28 địa phương mới chỉ có kế hoạch dùng. Như vậy, vẫn còn nhiều tỉnh, thành chưa sử dụng nền tảng công nghệ, đang quản lý công tác xét nghiệm theo cách thủ công.

Được biết, trong tuần này, PC-Covid sẽ có thêm tính năng giám sát phản ánh, qua đó người dùng có thể đóng góp những lỗi phát sinh của ứng dụng đồng thời cũng như theo dõi bao nhiêu phản ánh được đưa ra và xử lý đến đâu. Đồng thời, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể cũng như tập huấn với các địa phương về việc triển khai ứng dụng PC-Covid và các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch.

Bắt đầu từ ngày 30/9 vừa qua, người dùng đã có thể tải về và sử dụng PC-Covid - ứng dụng duy nhất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là sản phẩm được ra đời chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi có yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất, phát triển một ứng dụng phòng chống dịch duy nhất.

Được nâng cấp và thay thế từ các ứng dụng phòng, chống Covid-19 được Bộ TT&TT, Bộ Y tế chính thức công nhận như Bluezone, NCOVI, VHD, do đó khi cập nhật trên điện thoại, PC-Covid sẽ tự động thay thế các phần mềm trên. Dữ liệu mà người dùng đã nhập trong các ứng dụng cũ sẽ tự động được cập nhật sang PC-Covid mà không phải khai báo lại từ đầu.

Hà Trần