THCL Gần 1 năm trôi qua kể từ sau vụ "truyền thông bẩn" về chất lượng nước mắm truyền thống được đưa ra trước công luận - "trắng - đen" đã rõ ràng. Nước mắm truyền thống vẫn giữ nguyên vị trí trên thị trường. Bài học xây dựng văn hóa và đạo đức kinh doanh từ câu chuyện nước mắm vẫn còn nguyên giá trị.

Gậy ai… đập lưng ai? - Hình 1

Những phản hồi tích cực

Cuối năm 2016, thông tin 67 mẫu nước mắm trên thị trường Việt Nam nhiễm thạch tín vượt xa ngưỡng quy định trong Quy chuẩn Việt Nam - do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ViệtNam (Vinastas) công bố, đã gây “bão” dư luận.

Theo lập luận của Vinastas, hàm lượng asen trong sản phẩm của hàng loạt cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tại Việt Nam đều vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt, các sản phẩm nước mắm truyền thống có độ đạm càng cao thì nhiễm asen càng nhiều. Thông tin này đã gây hoang mang dư luận và giáng một đòn mạnh vào các DN sản xuất nước mắm truyền thống.

Nếu theo đúng “kịch bản” thông thường sẽ xảy ra, DN sản xuất nước mắm truyền thống sẽ lao đao, bị NTD tẩy chay, còn các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sẽ độc chiếm thị trường “độ an toàn” cao. Thế nhưng, sự “vội vã” của Vinastas đã nhanh chóng nhận lại những phản ứng gay gắt của dư luận. Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết đã khẳng định: Trong quá trình làm mắm, cá kết hợp với muối khi lên men sẽ sản sinh ra arsen hữu cơ. Đây là chất vô hại, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Kết luận "vội vàng" của Vinastas đã gây tác động tiêu cực tới tâm lý NTD, cũng như các nhà sản xuất. Nếu thông tin này không được các cơ quan chức làm sáng tỏ, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng tới đời sống của người dân, từ người đánh cá tới người sản xuất nước mắm và các DN.

Ngay sau đó, các hiệp hội nước mắm Nha Trang, Phú Quốc, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đồng gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyển thống của Việt Nam. "Cuộc chiến" chống những thông tin mập mờ về nước mắm, gây hoang mang dư luận cũng lập tức được dấy lên.

Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành như Hội Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc nhằm nhanh chóng có phản hồi chính thức về vấn đề này.

Tại hành lang Quốc hội diễn ra thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: “Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học để thẩm định, chứng minh sản phẩm truyền thống của mình không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khánh Hòa) Lê Xuân Thân cũng yêu cầu, cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc ngay để thẩm định toàn bộ mọi công bố về nước mắm và chính Vinastas cũng phải vào cuộc trong sự việc này.

“Trắng” - “đen” đã rõ ràng!

Vụ mập mờ thông tin nước mắm, đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan khẩn trương làm rõ. Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Vinastas và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành tiến hành kiểm tra, xử lý vụ “nước mắm asen”. “Tất cả những vi phạm đều bị xử lý, vi phạm hình sự thì xử lý hình sự, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Ai đưa ra thông tin sai sự thật, dùng thủ đoạn để tung tin gây hoang mang, tạo dư luận xấu cho người dân thì phải được xem xét, xử lý”.

Một cuộc kiểm tra liên ngành, do Bộ Y tế chủ trì về việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã được khẩn trương thực hiện. 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và bán tại một số siêu thị đã được kiểm nghiệm tại 4 viện kiểm nghiệm hàng đầu của ngành y tế. Kết quả công bố cho thấy, 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện asen vô cơ. Như vậy, thông tin nước mắm nhiễm asen vô cơ (thạch tín) ảnh hưởng đến sức khỏe là không chính xác.

“Trắng” - “đen” đã rõ ràng. Sự mập mờ thông tin về chất lượng nước mắm được các chuyên gia nhận định là một “chiêu quảng cáo” không lành mạnh. Mục đích của tác giả “kịch bản nước mắm bẩn” là DN đối thủ của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Chiêu lập lờ thông tin không chỉ có ý nghĩa “hạ bệ”, gây hoang mang dư luận về nước mắm truyền thống và còn nhằm mục đích đề cao nhãn hiệu nước mắm “sạch” nào đó.

Và chính những quảng cáo rầm rộ của một thương hiệu nước mắm công nghiệp ngay sau sự mập mờ thông tin này đã giải thích rõ “ai” là kịch bản của “chiêu quảng cáo” thiếu lành mạnh này (?!). Đáng nói, chiêu trò "cạnh tranh bẩn" này được sự "tiếp tay" của một chiến dịch "truyền thông bẩn" với sự tham gia của một số cơ quan truyền thông…

Thế nhưng, có một điều mà tác giả “kịch bản nước mắm bẩn” và các đơn vị tham gia chiến dịch "truyền thông bẩn" không tính đến - đó chính là sự công tâm của chính những khách hàng lâu nay vẫn sử dụng nước mắm truyền thống. Chắc chắn, họ sẽ có những đánh giá khách quan, công bằng và không dễ dàng quay lưng với sản phẩm mà bao thế hệ người Việt đã tin dùng. Một điều nữa mà tác giả "kịch bản" này không lường tới đó chính là sự quay lưng của NTD với những chiêu "cạnh tranh bẩn”. Thay vì tẩy chay nước mắm truyền thống, rất có thể sản phẩm của tác giả "kịch bản nước mắm bẩn” sẽ bị NTD tẩy chay.

Cao Huyền