Nền kinh tế đang đà phục hồi

Chia sẻ với Báo Giao thông Chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, con số tăng trưởng 5,66% của quý I cao hơn các năm trước cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi và bật tăng vào các quý tiếp theo.

Ảnh minh họa

"Số liệu này củng cố lòng tin và tăng kỳ vọng vào trạng thái lạc quan mới, khẳng định các nỗ lực đúng hướng của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Các nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn, tăng thêm giá trị mới, tạo đà cho tăng trưởng cao giai đoạn tới. Chính sách cân bằng cho thấy lòng tin của cộng đồng quốc tế theo đó tăng lên", ông Lạng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc gia tăng các ngành sản xuất vừa qua là động lực thị trường nước ngoài được kết nối trở lại, giảm thiểu tình trạng chuỗi bị đứt gãy, gia tăng quy mô xuất - nhập và đầu tư quốc tế. Động lực trong nước thể hiện tổng cầu phục hồi, lãi suất giảm, việc làm tăng, đầu tư công quyết liệt tạo ảnh hưởng lan toả.

Thị trường đầu vào sôi động nhờ khai thác tác động của các hiệp định tự do. Các doanh nghiệp cũng có nhiều đơn hàng mới và đang hồ hởi gia tăng sản xuất, tuyển lao động, mở rộng quy mô. Lãi suất giảm sâu cũng là động lực thúc đẩy mở rộng sản xuất.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, GDP quý I đã cao hơn 4 năm trở lại đây. Nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan, vì chúng ta đang so sánh tăng trưởng trên nền thấp những năm trước.

"Bốn năm có 3 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19 và năm 2023 quá khó khăn trước biến động nền kinh tế thế giới. Kỳ vọng các quý tiếp theo, tăng trưởng GDP sẽ bứt tốc hơn. Bởi thường kinh tế tăng trưởng mạnh hơn vào những quý cuối năm", TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh

Xu hướng doanh nghiệp giải thể ở mức cao, kéo dài suốt nhiều quý liên tiếp. Đây là chỉ số đáng lo ngại, phản ánh thời kỳ khó khăn của các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

TS Lê Quốc Phương cho rằng doanh nghiệp Việt đang kiệt sức sau nhiều năm chống chọi với Covid-19, lại thêm năm 2023 đối mặt những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

GDP tăng trưởng cao, thời cơ để doanh nghiệp phục hồi?

Dù được Chính phủ quan tâm, có cải thiện rồi nhưng môi trường kinh doanh vẫn nhiều vướng mắc. Cơ quan quản lý vẫn đặt ra những quy định bớt trách nhiệm cho họ, dồn gánh nặng hơn về phía doanh nghiệp với đủ loại giấy phép. Rồi cán bộ sợ sai, không dám làm, trì trệ.

Thêm nữa tiếp cận vốn khó khăn. Lãi suất huy động đã thấp nhất 20 năm nay, nhưng lãi suất cho vay chưa thực sự đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn than các nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam 7-9%.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, số doanh nghiệp giải thể lớn hơn thành lập một mặt cho thấy khó khăn của nền kinh tế vẫn còn rất lớn, mức độ đào thải gay gắt của thị trường và sức chống chịu của doanh nghiệp chưa cao. Điều này cho thấy cần hỗ trợ nhiều và mạnh hơn cho doanh nghiệp để giảm con số rút lui, tăng con số gia nhập.

Đồng thời, cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tăng tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức và các khoản phí khác đáng kể, tăng các hoạt động đặt hàng từ chính phủ để kích cầu doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp để tạo làn sóng thành lập mới. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khai thác các nền tảng giao dịch trực tuyến để mở rộng phạm vi, tăng kết nối để tận dụng nguồn lực bên ngoài, mở rộng quy mô.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm, cần coi trọng việc thúc đẩy quyết liệt đầu tư công nhất là dự án trọng điểm cùng phương châm "bàn làm không bàn lùi" để tạo sức lan toả mạnh.

Thu hút nhiều hơn FDI chất lượng cao, phát triển ngành công nghiệp non trẻ là chất bán dẫn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, lấy đổi mới sáng tạo làm chỗ dựa, khai thác các tác động tích cực của hiệp định thương mại tự do thế hệ.

"Coi trọng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đầu tư tư nhân bằng cách cải thiện môi trường đầu tư lên trạng thái mới, thúc đẩy du lịch quốc tế và nội đia, ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai luật đất đai tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để kích cầu các quý cuối năm", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng hiến kế.

T. Hương (Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/)