Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York (Mỹ) cũng vào đà tăng mạnh, giao tháng 5, tăng 2,05 Cent (1,58%) lên 132,1 Cent/lb; kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng nhẹ 2,10 Cent (1,59%), lên 1134,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Phân tích kỹ thuật: Không hoàn toàn giống như dự báo của giới chuyên gia, các mặt hàng cà phê đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, mức tăng khá mạnh mẽ.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tiếp tục tăng mạnh 1,52% chủ yếu do đồng USD giảm về mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào nhu cầu tăng trở lại khi tốc độ tiêm chủng tăng nhanh và nước Anh nới lỏng lệnh phong tỏa cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tiêu thụ cà phê trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, thời tiết tại các vùng gieo trồng cà phê tại Brazil được dự báo sẽ có mưa trở lại trong vài ngày tới, dù không còn cải thiện quá nhiều đến chất lượng, nhưng cũng sẽ làm giảm bớt tâm lý lo ngại của giới đầu cơ. Cùng với đó, thông tin CDC Mỹ khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson sau khi ghi nhận 6 ca bị chứng rối loạn đông máu hiếm gặp sau khi tiêm, cũng sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn với giá cà phê trong phiên hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, giá đang chạm đến cạnh trên của kênh xu hướng giảm trước đó và đà tăng bị cản lại ở mức kháng cự tâm lý 130 Cent. Với các thông tin cơ bản như hiện tại, nhiều khả năng giá sẽ cần điều chỉnh trước khi có thể trở lại đà tăng.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 có phiên thứ 2 liên tiếp đi lên. Dù lực kháng cự ở vùng giá 1.350 vẫn đang khá mạnh và cân bằng lại tác động hỗ trợ từ mức giảm của đồng USD, nhưng robusta đã có một phiên tăng khá ấn tượng. Về mặt kỹ thuật, đường Tenkan đang có xu hướng cắt lên trên đường Kijun của chỉ báo Ichimoku, cho tín hiệu mua đầu tiên.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cécafe) ở Brasil báo cáo xuất khẩu tháng Ba giảm 2,7% xuống chỉ đạt 3,06 triệu bao đã khiến các thị trường tiêu dùng quay lại mối lo nguồn cung, cho dù thị trường đã suy đoán Brazil sẽ xuất khẩu giảm kể từ tháng Ba khi các tháng trước đó xuất khẩu quá mạnh do đồng Real suy yếu đã kích thích sự gia tăng xuất khẩu.
Tham khảo giá cà phê tươi thu mua tại một số địa phương trọng điểm tại phiên liền trước (ngày 14/4), giá thị trường không biến động tại các địa phương trọng điểm, giao dịch trong khoảng 31.600 - 32.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà và Di Linh ở mức 31.700 đồng/kg, Bảo Lộc thu mua ở 31.600 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar giá cà phê thu mua ở mức 32.700 đồng/kg. Tại Ea H'leo và Buôn Hồ có giá 32.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang ở mức 32.300 đồng/kg, ở Pleiku và Ia Grai là 32.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa, cà phê tươi thu mua ở 32.400 đồng/kg và Đắk R'lấp là 32.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tăng nhẹ lên mức 32.400 đồng/kg.
Giá cà phê R1 giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh có giá 33.900 đồng/kg.
Hải Quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê robusta, trong tháng Ba đạt 169.624 tấn (khoảng 2,83 triệu bao) tăng 38,10% so với tháng trước. Tuy nhiên lũy kế xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 453.010 tấn (khoảng 7,55 triệu bao), giảm 12,20% so với cùng kỳ năm trước.
Trúc Mai (T/h)