Cụ thể, tại thị trường trong nước giá cà phê thu mua tại huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng đang được thu mua ở mức 36.500đ/kg.
Tại huyện Cư M’gar của tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê hôm nay giữ ở mức 37.400đ/kg. Tại hai huyện Ea H’leo và Buôn Hồ của Đắk Lắk đang giao dịch ở mức 37.300đ/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R’lấp của tỉnh Đắk Nông lần lượt thu mua ở mức 37.300đ và 37.200đ/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang thu mua ở mức 37.300đ/kg, tại Pleiku cũng đang được thu mua với mức giá 37.200đ/kg.
Tương tự như tỉnh Gia Lai, tại Kon Tum, mức giá giao dịch cũng ở ngưỡng 37.200đ/kg.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 giảm mạnh 21 USD (1,14%), giao dịch tại 1.828 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 18 USD (0,97%), xuống 1.836 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng quay đầu giảm mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 3,3 Cent (1,77%), giao dịch tại 183,25 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 3,4 Cent (1,79%), xuống 186,2 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng mạnh.
Các chuyên gia nhìn nhận, nguồn vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh, ảnh hưởng tới nguồn vốn hướng vào thị trường cà phê, khiến giá mặt hàng này giảm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, nửa đầu tháng 8, giá cà phê thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Ngành công nghiệp rang xay chậm lại khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nguyên liệu giảm, trong khi nguồn cung từ Brazil tăng do đồng Real suy yếu, khiến người trồng cà phê tại nhà xuất khẩu số 1 thế giới đẩy mạnh bán ra.
Trong ngắn hạn, thời tiết Brazil được dự báo sẽ thuận lợi trong tuần tới, góp phần hỗ trợ cây cà phê hồi phục sau thu hoạch để có sức ra hoa vụ mới.
Nhìn vào thực tế, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, xuất khẩu cà phê arabica của Việt Nam trong tháng 6/2021 sản lượng đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm nay - 4,1 nghìn tấn, trị giá 11,82 triệu USD, giảm 55,8% về lượng và giảm 41,2% về trị giá so với tháng 6/2020.
Về dài hạn, triển vọng giá cà phê toàn cầu được dự báo tương đối khả quan. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/2022 sẽ giảm 11 triệu bao so với niên vụ 2020/2021, xuống 164,8 triệu bao, do yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil.
USDA dự báo xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao, do lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng. Tiêu thụ cà phê thế giới dự báo sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil.
Thành Nam