Một trạm bán lẻ xăng ở Mỹ
Trao đổi với hãng tin CNBC vào cuối tuần vừa rồi, bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản của RBC Capital Markets dự báo giá dầu sẽ tăng lên vùng 60-65 USD/thùng trong vòng vài tháng tới, tương đương mức tăng gần 20% từ ngưỡng hiện tại.
“Chúng tôi dự báo giá dầu tăng cao hơn trong nửa cuối của năm nay”, bà Croft phát biểu. “Các nhà máy lọc dầu bắt đầu kết thúc mùa bảo dưỡng. Bởi vậy, lượng dầu tồn kho của Mỹ sẽ nhanh chóng giảm xuống. Mức tồn kho dầu cao của Mỹ là một nguyên nhân gây sức ép giảm giá cho dầu trong thời gian qua”.
Bà Croft cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu đi lại gia tăng ở Mỹ trong mùa hè cũng sẽ đẩy giá dầu lên.
Tuần trước, giá dầu thế giới đã bật tăng mạnh sau khi Mỹ tấn công vào Syria. Dù có giảm trở lại sau đó, giá dầu thô ngọt nhẹ vẫn kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 52,24 USD/thùng, cao nhất trong 1 tháng.
Trong phiên châu Á sáng nay, giá dầu tiếp tục nhích cao hơn. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York có lúc tăng 0,11 USD/thùng, lên mức 52,35 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tại London tăng thêm 0,07 USD/thùng, lên mức 55,31 USD/thùng.
Trang MarketWatch nói rằng ở thời điểm hiện tại, rủi ro địa chính trị đang là nhân tố hỗ trợ chính cho giá dầu.
Rủi ro địa chính trị không chỉ gia tăng ở Syria, mà còn cả ở Đông Bắc Á. Nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã hủy một kế hoạch thăm cảng ở Australia và thay vào đó di chuyển về phía bán đảo Triều Tiên như một động thái cảnh báo Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử tên lửa thời gian gần đây.
Trong vòng 9 phiên giao dịch tính đến ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu đã có 8 phiên tăng. Trong tuần trước, giá dầu tăng 3%, trong đó chỉ một phần nhỏ là mức tăng ghi nhận sau khi Mỹ tấn công Syria.
Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria không dẫn tới nguy cơ gián đoạn nguồn cung lớn từ nước này, bởi phần lớn hoạt động khai thác dầu ở nước này đã bị ngưng trệ trong cuộc nội chiến 6 năm qua. Thay vào đó, giới đầu tư lo ngại về một cuộc trả đũa nhằm vào Mỹ của Nga và Iran - hai nước sản xuất dầu lớn và là đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hiện vẫn đang có một số yếu tố có thể cản trở sự đi lên của giá dầu. Chuyên gia Phin Ziebell thuộc National Australia Bank nhấn mạnh việc số giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng 12 tuần liên tiếp. “Chắc chắn là giá dầu tăng hiện nay chỉ do những lo ngại về địa chính trị mà thôi”, ông Ziebell nói.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 3%, sau khi tăng mạnh vào cuối năm ngoái nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối bao gồm Nga.
Mặc dù vậy, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC) cho thấy số hợp đồng đầu cơ giá lên dầu thô tại thị trường Mỹ đang nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống với khoảng cách ngày càng lớn. Tính đến tuần trước, khoảng cách này là 9,2%.
Số liệu này cho thấy giới đầu cơ đang đặt cược nhiều hơn vào sự lên giá của dầu thô trong thời gian tới. “Các nhà đầu cơ dầu giá xuống sẽ rút lui vì OPEC có vẻ như tuân thủ khá tốt hạn ngạch sản lượng và có khả năng họ sẽ mở rộng việc cắt giảm sản lượng”, ông Michael Lynch, Chủ tịch công ty nghiên cứu Strategic Energy & Economic Research, nhận định.
Theo bà Croft, trong ngắn hạn, OPEC sẽ là nhân tố tác động chính đối với đường đi của giá dầu. Chuyên gia này tin rằng cuộc họp vào ngày 25/5 của OPEC sẽ có ảnh hưởng tức thời đến thị trường.
“Các nước trong và ngoài OPEC đang cắt giảm sản lượng ở mức 1,8 triệu thùng/ngày. Họ sẽ gia hạn việc cắt giảm này thêm 6 tháng nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi lạc quan về triển vọng giá dầu trong 6 tháng cuối năm nay”, bà Croft phát biểu.
Thăng Điệp - vneconomy