Khó khăn của các nền kinh tế dầu mỏ đang tác động tiêu cực không nhỏ tới Philippines … Sau hai năm làm việc tại Saudi Arabia, tháng 9 vừa qua, Arman Abelarde cuối cùng đã phải thu xếp hành lý trở về Philippines. Không chỉ riêng anh, trước đó hàng chục nghìn người Philippines đã phải về nước.
Mỗi năm có từ 8 đến 10 nghìn người Philippines rời đất nước đến Saudi Arabia để làm y tá, bác sỹ, hộ lý - Ảnh: Life in Saudi Arabia
Cùng với hàng loạt công ty khác tại Saudi Arabia, công ty của Arman đang sa thải mạnh tay nhân viên bởi giá dầu thấp, các hợp đồng và doanh thu ít dần đi, và các công ty buộc phải giảm bớt nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Giá dầu thấp đang gây ra rất nhiều khó khăn không chỉ với những nước trực tiếp phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ mà còn tạo ra nhiều khó khăn gián tiếp cho nhiều nước khác như Philippines, theo một bài viết được Bloomberg đăng tải mới đây.
“Đời tôi chưa bao giờ có thể nghĩ đến việc, một ngày nào đó Saudi Arabia có thể khó khăn như hiện nay”, Arman Abelarde nói. Năm nay đã 47 tuổi, từ khi về nước, anh mưu sinh tạm thời bằng nghề vẽ tranh thuê để nuôi sống gia đình 4 người.
Đối với nhiều thế hệ người Philippines, Saudi Arabia từng là “miền đất hứa”. Khi giá dầu cao, nước này duy trì chế độ trợ cấp rất hào phóng cho người dân và khởi động hàng loạt các dự án xây dựng.
Sự thịnh vượng của Saudi Arabia đi lên cùng với giá dầu. Giai đoạn giá dầu vượt 140 USD, Saudi Arabia trở nên càng giàu có hơn. Người Philippines đổ xô sang Saudi Arabia làm công nhân, kỹ sư xây dựng, bán hàng, dịch vụ, giúp việc gia đình, y tá...
Thế nhưng những tháng ngày tốt đẹp kết thúc khi giá dầu rớt xuống mức chưa đầy 30 USD/thùng, và Chính phủ Saudi Arabia buộc phải cắt giảm chi tiêu mạnh tay.
Giá dầu thấp, quy mô của nhiều dự án xây dựng tại Saudi Arabia cũng buộc phải giảm mạnh. Các tập đoàn, công ty năng lượng của nước này như Saudi Oger hay Saudi BinLadin phải sa thải hàng chục nghìn công nhân. Kinh tế khó khăn, các gia đình Saudi Arabia cũng không mua sắm mạnh tay hay thuê người giúp việc nhiều như trước, trong khi đây là lĩnh vực thu hút lao động Philippines.
Trên khắp thế giới, cuộc sống của những người lao động nhập cư cũng đang ngày càng khó khăn. Ở Anh, những người phản đối nhập cư đã bỏ phiếu để Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), trong khi ứng viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phản đối mạnh mẽ nhập cư. Các nước Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... cũng đang siết chính sách đối với lao động người nước ngoài.
Suốt nhiều thập niên, Saudi Arabia là điểm đến hàng đầu cho người lao động Philippines. Hàng trăm nghìn người Philippines đã tới Saudi Arabia, UAE, Qatar và nhiều nền kinh tế dầu mỏ khác trong khu vực.
“Philippines đã trở nên quá phụ thuộc vào khu vực Trung Đông. Nay khi kinh tế khu vực này đang khó khăn và không thể tuyển dụng nhiều lao động như trước, kinh tế của Philippines chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ”, bà Emilio Neri, một chuyên gia kinh tế Philippines nhận xét.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Philippines, riêng trong năm 2016, hơn 8.000 người Philippines đã mất việc tại Saudi Arabia. Điều này cũng có nghĩa, nhiều gia đình Philippines mất đi nguồn thu quan trọng, và Chính phủ Philippines mất đi một nguồn kiều hối giúp đảm bảo ổn định tỷ giá.
Ngoài ra, khi mà nhu cầu kinh doanh hàng hóa và nghỉ dưỡng trên các tàu biển thế giới giảm sút, lao động Philippines ở nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn. Một tính toán của Chính phủ Philippines cho thấy, so với cùng kỳ, nhu cầu đối với lao động làm trên các tuyến tàu biển quốc tế giảm khoảng 44% trong 7 tháng đầu năm nay.
Trong tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo kiều hối vào Philippines trong năm 2016 sẽ tăng 2,2%, lên mức 29 tỷ USD, mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ. Đáng chú ý, tính trong 13 tháng qua, đã có 5 tháng kiều hối vào Philippines sụt giảm.
Từ khi lên nhậm chức vào tháng 6/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đối diện nhiều thách thức kinh tế. Ông phát động cuộc chiến chống ma túy, tuy nhiên chương trình này đang bộc lộ những mặt trái khiến niềm tin nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh Philippines suy giảm. Xuất khẩu đã sụt giảm liên tiếp 17 tháng, trong khi đây là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Philippines.
Đồng Peso hiện ở sát mức thấp nhất trong 7 năm so với đồng USD. Trong năm 2016, đồng Peso giảm giá mạnh nhất so với tất cả các đồng tiền châu Á khác. Từ khi ông Duterte lên nắm quyền, thị trường chứng khoán Philippines đã giảm 5,6%.
Đan Nguyên - vneconomy