Tham dự Lễ phát động có bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Phó trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh; Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh; Đại biểu các Ban, ngành của Tỉnh; Đại diện lãnh đạo huyện Ia Grai; Các đại biểu là Trưởng ban (Phó trưởng ban) Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thị xã và thành phố; Lãnh đạo phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố; Đại biểu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên huyện Ia Grai.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh
Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (gọi tắt “Tháng hành động”) năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, để mở đầu cho chiến dịch đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2018. Nhằm từng bước kiểm soát được điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm.
Nhận thấy được tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: Chủ động phòng ngừa, triển khai mọi hoạt động một cách tích cực; Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức.
Năm 2017, Toàn tỉnh đã tổ chức 483 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Tổng số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra: 5.388; số lượt cơ sở vi phạm: 1.359; số lượt cơ sở vi phạm bị xử lý: 210; Tổng số tiền phạt: 320.900.000đ, đình chỉ hoạt động 23 cơ sở. So với cùng kỳ năm trước, số đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tăng 16,8%; số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra tăng 12,6%; số lượt cơ sở vi phạm tăng 37,9%; số lượt cơ sở vi phạm bị xử lý tăng 17,1%; số tiền phạt giảm 46.650.000đ.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, rất phức tạp, như chúng ta khó kiểm soát được vấn đề về dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản; chế biến thực phẩm còn thủ công, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông buôn bán trên thị trường.
Đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 04 khu giết mổ gia súc tập trung; 05 điểm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap với diện tích khoảng 13 héc ta, do đó khó đảm bảo nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn để phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn. Một số địa phương, đặc biệt là tuyến xã chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn nguy cơ tiềm ẩm và diễn biến phức tạp...
Các hoạt động sẽ được ưu tiên tiến hành trong “Tháng hành động” là tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp và của tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong những năm qua. Đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa trong thời gian tới, vì sức khỏe cộng đồng.
Đây là dịp để tất cả chúng ta, từ những nhà lãnh đạo các cấp, đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh một lần nữa khẳng định cam kết “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, ông Hải khẳng định.
Cũng tại Lễ phát động đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Ia Grai cũng đã phát biểu hưởng ứng, đồng thời ký cam kết thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh.
Một số hình ảnh hưởng ứng tại Lễ phát động:
Kim Yến