Theo bà Trần Thị Thu Hà-Phó Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai) thông tin: Qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG trên địa bàn tỉnh, 7 mục tiêu lớn như: BĐG trong lĩnh vực chính trị, BĐG trong lĩnh vực kinh tế, BĐG trong lĩnh vực y tế, giáo dục… đều được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt những kết quả quan trọng.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quyết định vấn đề BĐG đó là phụ nữ làm chủ kinh tế, giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm; Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường, lao động.

Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 10 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 21.378 lao động nữ khu vực nông thôn, tạo việc làm mới cho 123.301 lượt lao động nữ, giới thiệu 2.200 lao động nữ vào làm việc ở các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ hợp tác xã là nữ phát triển kinh doanh.    

Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang (TP. Pleiku) luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động nữ. Ảnh: Đinh Yến

Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang (TP. Pleiku) luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động nữ. Ảnh: Đinh Yến

Hiện nay, HTX May gia công An Phú giải quyết việc làm cho 60 lao động nữ, chủ yếu ở TP. Pleiku và huyện Đak Đoa. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 8 tổ hợp tác ở các xã: Tân Sơn, Biển Hồ và phường Thống Nhất (TP. Pleiku), Nam Yang, Kdang (huyện Đak Đoa) tạo việc làm cho hơn 100 lao động.

Đồng thời bên cạnh việc giải quyết việc làm, tỉnh cũng rất chú trọng đến việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động nữ trong các cơ quan, đơn vị.

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Bảo hiểm Xã hội tỉnh hiện có 21 nữ cán bộ quản lý với các chức danh Giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các phòng nghiệp vụ. Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, nữ cán bộ, công chức Bảo hiểm Xã hội tỉnh được lựa chọn tham gia vào cấp ủy và quản lý. Quy hoạch cán bộ nữ ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2021 có 94 nữ, chiếm tỷ lệ 55,2%. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân về BĐG còn hạn chế. Định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình và một bộ phận người dân. Một số phụ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Bất BĐG vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực về quyền lợi, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ… Đây là những rào cản lớn trong quá trình thực hiện BĐG.

Bình đẳng giới trong tạo việc làm cho lao động nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến

Bình đẳng giới trong tạo việc làm cho lao động nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến

Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thông tin: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG, tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về BĐG.

Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo và hoạt động của cơ quan dân cử cho cán bộ nữ, trong đó tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử. Đồng thời, ưu tiên thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhằm thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. 

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và chuẩn bị triển khai các hoạt động cho giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cùng với các nhiệm vụ đặt ra, Tháng Hành động vì BĐG và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 đã được Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tích cực chuẩn bị và tập trung thực hiện.

Thùy Linh