Giá lợn hơi miền Bắc cán mốc 57.000 đồng/kg
Chiều ngày 25/7, anh Nguyễn Văn Luật – chủ trang trại 700 con lợn thương phẩm ở huyện Hải Hậu (Nam Định) phấn khởi cho biết: “Do nguồn cung khan hiếm, hiện giá lợn hơi trên địa bàn Hải Hậu dao động từ 56.000 – 57.000 đồng/kg, tiếp tục tăng 1.000 đồng so với 2 hôm trước”.
Anh Luật cho biết thêm đợt này, nhà anh có 500 con lợn thương phẩm đến lứa xuất bán: “Bắt đầu xuất bán lợn từ đầu tháng 7 đến nay, giá lợn hơi đã tăng 6-7 giá (6.000 – 7.000 đồng/kg). Ban đầu, giá lợn hơi là 51.000 đồng/kg, rồi 52.000 đồng/kg, 56.000 đồng/kg và giờ là 57.000 đồng/kg. Đến nay, tôi đã xuất bán được hơn 200 con lợn, hiện trong chuồng còn gần 300 con lợn thương phẩm nữa, mặc dù giá hiện nay đang ở mức cao nhưng không biết duy trì được bao lâu” - anh Luật chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, một đầu mối chuyên thu mua lợn ở Nam Trực (Nam Định) thừa nhận, do giá lợn hơi tăng mạnh nên mấy ngày gần đây đi mua lợn thịt rất khó. “Trước kia, tôi có thể đặt cọc mua cả đàn rồi bắt dần về thịt đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay, hỏi mua cả đàn và đặt tiền trước mà các hộ chăn nuôi nhất quyết không bán. Họ chỉ bán nhỏ giọt vài ba con và bắt cân bán tính giá theo ngày", ông Đoàn cho biết.
Trên thực tế, hôm nay nhiều tỉnh thành khác cũng đồng loạt tăng giá lợn hơi như Phú Thọ, tăng 2.000 đồng lên 54.000 đồng; Thái Nguyên và Hải Dương tăng 1.000 đồng lên lần lượt 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc dao động từ 54.000 - 54.500 đồng/kg. Giá heo giống cũng theo đà giá heo hơi trở lại mức 1,4 – 1,6 triệu đồng/con đối với loại 7 - 10 kg.
Dù giá lợn hơi vẫn đang ở mức khá cao, song lại có sự chênh lệch về giá khá cao giữa các vùng. Cụ thể, hiện giá lợn hơi tại miền Bắc đang tốt nhất cả nước, giao dịch trong mức 52.000 - 57.000 đồng/kg. Trong khi đó, khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động 45.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg, còn tại miền Nam thấp nhất cả nước, dao động từ 45.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng "nóng", liệu dân có liều mình "tái đàn"?
Cùng một khu vực, vùng miền nhưng giá heo hơi tại các tỉnh, thành cũng có sự chênh lệnh. Ví như, ở miền Nam cùng 1 loại heo siêu tại một số vùng của tỉnh Bạc Liêu giá heo được thương lái thu mua với giá trên dưới 46.000 đồng/kg, trong khi đó tại Tiền Giang, các chủ trang trại nuôi heo tại địa phương này lại xuất chuồng heo giá trên dưới 47.000 – 48.000 đồng/kg, còn Đồng Nai giá heo hơi tại các trang trại của Công ty C.P hiện đang đạt từ 50.000 - 51.000 đồng/kg.
“Đánh liều” tái đàn hay đầu tư cẩn trọng?
Ông Nguyễn Hải, hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết giá heo giống hiện gấp 2 lần so với hồi tháng 4. “Sau khi bán 100 con heo thịt, tôi bắt tay ngay vào tái đàn. Giá heo giống đang rất đắt nhưng cũng phải mua để nuôi tiếp”, ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, vì lo sợ thua lỗ như năm 2017 nên không nhiều nông dân dám đầu tư tăng đàn. Bà Hoàng Thị Nguyên, người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất nói gia đình bà nuôi hơn 200 con heo nhưng không có đầu ra nào khác ngoài thương lái. “Heo lớn thì tôi bán cho thương lái. Được lỗ thế nào nhờ cả vào họ. Nói chung, giá bây giờ đang rất cao, nhưng vài tháng sau, khi đàn mới đủ lớn thì có thể giá sẽ giảm mạnh”, bà Nguyên nói.
Có hai xu hướng chăn nuôi lợn trái ngược nhau trong suốt thời gian vừa qua. Đó là trong khi rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đàn hoặc nghỉ chăn nuôi thì các công ty chăn nuôi lớn lại không giảm, thậm chí còn tăng đàn.
Theo dự đoán của ông Đặng Công Dũng - Chủ Doanh nghiệp Dũng Ân (tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chuyên về cung cấp thức ăn cho gia súc: "Giá heo tăng mạnh khiến nhiều người chăn nuôi lại đổ xô vào tái đàn, nếu không tính toán một cách chặt chẽ và độ trễ của việc tái đàn (từ khi thả nuôi đến khi xuất bán) thì nguy cơ heo rớt giá có nhiều khả năng lại tiếp diễn".
Nguyễn Trang