Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Giá sữa rẻ (Ba Vì, Hà Nội): Người nuôi bò sữa “khóc ròng”

Người dân huyện Ba Vì đang phải bán những con bò sữa do giá sữa rẻ mạt. Trong khi đó, các cấp chính quyền đã vào cuộc, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để cứu đàn bò...

THCL Người dân huyện Ba Vì đang phải bán những con bò sữa do giá sữa rẻ mạt. Trong khi đó, các cấp chính quyền đã vào cuộc, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để cứu đàn bò...

Người nuôi bò sữa thua lỗ nặng

Người tiêu dùng đang phải uống sữa với giá rất đắt thì ngược lại, cuộc sống của những người nông dân nuôi bò sữa lại đang gặp rất nhiều khó khăn do sữa thu mua giá rẻ mạt.

Giá sữa rẻ (Ba Vì, Hà Nội): Người nuôi bò sữa “khóc ròng” - Hình 1

Người chăn nuôi bò sữa đang điêu đứng vì giá sữa rẻ mạt

Trong khi sữa tươi trong nước vẫn bị cho là thiếu; mỗi năm phải nhập sữa bột trị giá hơn 1 tỷ USD thì tại tỉnh Lâm Đồng và huyện Gia Lâm (Hà Nội) người nông dân đã phải đổ sữa ra đường. Mới đây, tại huyện Ba Vì, hàng trăm hộ nông dân nuôi bò sữa phải cay đắng bán đi hàng trăm con bò sữa với giá bằng bò thịt do... giá sữa thu mua rẻ mạt: 1 lít sữa tươi chỉ ngang 1 lít nước lọc đóng chai!

Báo cáo của UBND huyện Ba Vì cho thấy, tính đến tháng 6/2015, tổng đàn bò sữa trên toàn huyện là 9.300 con tại 20 xã chăn nuôi bò sữa, tập trung chủ yếu ở 3 xã Vân Hòa, Yên Bài và Tản Lĩnh. Trong đó, chủ yếu bò sữa được chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình với 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa, bình quân mỗi hộ dân nuôi 5 - 6 con, một số hộ dân có quy mô từ 20 - 30 con.

Chăn nuôi bò sữa những năm qua đã trở thành nghề cho thu nhập khá, nhiều gia đình có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, giúp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, trong năm 2016, do ảnh hưởng của giá sữa sụt giảm cho nên tính đến tháng 11/2016, đàn bò sữa của huyện chỉ còn 7.630 con.

Trên địa bàn huyện hiện đang có 2 công ty thu mua, tiêu thụ sữa chính là Công ty CP sữa Quốc tế IDP, chiếm 80% sản lượng sữa toàn huyện, với công suất 48 triệu lít/năm và Công ty CP sữa Ba Vì, chiếm 10 - 12%), công suất 18 triệu lít/năm; giá thu mua hiện nay từ 9.500 - 10.000 đồng/kg. Nếu theo con số báo cáo trên, tổng đàn bò sữa tại huyện Ba Vì (tính đến tháng 11/2016), giảm 1.677 con so với tháng 6/2015.

Để làm rõ việc đàn bò sữa bị giảm nhiều do người dân đua nhau bán bò sữa, PV đã về xã Vân Hòa, nơi nuôi nhiều bò sữa của huyện Ba Vì. Những ngày này, ở xã Vân Hòa, người dân đua nhau bàn chuyện giá bán con bò sữa thay vì giá bán sữa như trước đây. Họ cũng đua nhau thuê thợ về xây dựng chuồng lợn, gà để chuyển chăn nuôi thay vì bò sữa như trước đây. Đầu tư số vốn hàng trăm triệu đồng để nuôi bò sữa, hộ gia đình anh Năng, thôn Mổ Đồi (xã Vân Hòa) nuôi gần chục con bò sữa.

Tuy nhiên, theo anh Năng, do giá thu mua sữa giảm, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. "Thời điểm năm 2008, giá sữa thu mua là 13.000 đồng/lít sữa và giá cám khoảng 200.000 đồng/bao. Bây giờ, giá cám tăng 280.000 đồng/bao, nhưng giá sữa chỉ còn 9.000 – 10.000 đồng/lít. Trong khi sản lượng sữa thu được chỉ khoảng 15 lít/con/ngày khiến người nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn", anh Năng cho hay.

Từ ngày Công ty IDP mua sữa, nông dân bán sữa phải trải qua nhiều rào cản về chất lượng, chỉ cần tiêu chí nào đó chưa đạt thì giá sữa sẽ giảm với lý do trong sữa có chất kháng sinh và nhiều tiêu chí khác. Mặt khác, các hộ dân nuôi bò sữa mang sữa đến đại lý thu mua của Công ty IDP, các đại lý này lấy mẫu đưa về nhà máy kiểm nghiệm, sau đó thông báo và trả tiền cho người dân theo chất lượng sữa. Do không đủ trình độ để nhận biết sữa có đảm bảo chất lượng hay không nên người dân thường thiệt thòi.

Người dân xã Vân Hòa cũng phản ánh, việc người nuôi bò sữa phải mua cám tại các điểm trạm, đại lý của công ty với giá cao hơn thị trường như 1 bao cám cho bò 20 kg, giá bán ở các đại lý là 280.000 đồng/bao, thì các trạm thu gom sữa bán cho nông dân từ 315.000 - 320.000 đồng/bao. Nếu không mua cám ở đại lý thì sẽ khó khăn trong quá trình bán sữa bò tươi. Chăn nuôi khó khăn, nhiều nông dân ở xã Vân Hòa đã phải bán đi những đàn bò sữa mà họ từng kỳ vọng sẽ mang lại đời sống no ấm và có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của họ.

Theo người dân, để đầu tư, họ phải mua một con bò sữa với giá hơn 60 triệu đồng, nhưng khi bán tháo chỉ bằng giá bò thải thịt, khoảng hơn 20 triệu đồng/con. Nhưng nếu tiếp tục giữ đàn bò sữa thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn…

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, ông Nguyễn Phi Long thừa nhận: Thời gian qua, trên địa bàn xã có tình trạng người dân bán tháo đàn bò sữa. Vào thời điểm năm 2013 - 2014, số lượng đàn bò sữa tại xã Vân Hòa là 1.800 con, giá sữa khi đó là 13.000 đồng/lít. Có thời điểm, đàn bò sữa trong xã tăng lên đến trên 4.000 con. Hiện nay, giá sàn thu mua sữa vào khoảng 10.000 đồng/lít; đợt trước  xuống khoảng 9.500 đồng/lít (trường hợp do chất lượng sữa không đảm bảo nên giá có thấp hơn). Vì thế, có hiện tượng người dân bán tới 700 con bò sữa…

Giải pháp nào “cứu” đàn bò sữa Ba Vì?

Nói về việc người dân đua nhau bán tháo đàn bò sữa, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, ông Nguyễn Phi Long cho biết: "Việc nông dân bán bò là có. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như giá sữa chung giảm, trước đây có thời gian, tăng trưởng đàn bò nóng, việc chọn lọc giống không chuẩn. Hiện giờ, nhiều hộ dân nuôi bò sữa, mỗi ngày sản lượng sữa có hơn 10 kg/con bò nên khi giá sữa giảm, chắc chắn các hộ dân đó sẽ gặp khó khăn".

Về việc người dân phản ánh tình trạng phải mua cám tại các đại lý của công ty sữa với giá cao hơn thị trường, ông Long cho hay: "Tại Ba Vì, chưa có nhà máy nào chế biến thức ăn gia súc. Vật tư đều phải nhập ở các tỉnh khác. Việc các đại lý bán cám cao hơn giá thị trường, chính quyền xã chưa nắm được thông tin".

"Nuôi bò sữa phải có điều kiện, vốn, đất đai để phát triển chăn nuôi. Có những hộ dân, điều kiện không có về đất đai, nhân lực, vốn ít nhưng cũng nuôi bò sữa là không phù hợp. Cần có định hướng cho phù hợp, không nhất thiết phải nuôi bò sữa. Nhiều hộ dân khó khăn về các điều kiện thì nên hướng vào nuôi bò thịt. Khí hậu ở đây cũng rất tốt cho phát triển bò thịt", ông Long nêu.

Để làm rõ những nội dung liên quan vụ việc trên, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nông vụ - Công ty CP sữa Quốc Tế IDP. Tuy nhiên, lấy lý do đã làm việc với UBND huyện Ba Vì và có lãnh đạo Thành phố về dự nên thay vì trả lời những câu hỏi của PV, bà Mai đã đùn đẩy việc trả lời thông tin liên quan vụ việc trên cho UBND huyện Ba Vì.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, ông Bạch Công Tiến cho biết: "Việc đó là do thỏa thuận giữa DN với người dân, huyện đã làm việc rồi. Đó là do cơ chế thị trường, chính quyền can thiệp có mức độ thôi".

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 24/11/2016, ông Đào Đức Toàn, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với huyện Ba Vì và đại diện Công ty CP sữa Quốc tế IDP, Công ty CP sữa Ba Vì.

Sau khi nghe đại diện 2 DN và lãnh đạo 2 xã Vân Hòa, Tản Lĩnh báo cáo thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn bò sữa suy giảm là do giá cả vật tư đầu vào tăng cao, chất lượng sữa không đảm bảo, giá thu mua sữa nguyên liệu giảm, người chăn nuôi không có lãi dẫn đến tình trạng không tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi, trong đó có nhiều hộ dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi bò sữa sang chăn nuôi lợn, gà…, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn đã có những chỉ đạo cụ thể.

Theo đó, yêu cầu UBND huyện Ba Vì và các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi bò sữa, bò thịt và gia súc, gia cầm theo đúng quy hoạch. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ đối với các DN trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa.

Đối với các DN thu mua, chế biến, tiêu thụ sữa, ông Đào Đức Toàn đề nghị cần tăng cường đầu tư về vốn, giống, khoa học - kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi bò sữa ổn định và phát triển được quy mô đàn, hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn con giống, thức ăn tốt để đảm bảo chất lượng sữa, từ đó nâng giá thu mua sữa lên.

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và siết chặt nguồn thức ăn trên địa bàn, khuyến cáo nhân dân sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng. Tăng cương công tác thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm sữa Ba Vì, đảm bảo để người chăn nuôi bò sữa có thu nhập ổn định, các DN hoạt động hiệu quả, đàn bò sữa của huyện tiếp tục được duy trì và phát triển.

Ông Đào Đức Toàn cũng đề nghị các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất sữa để đảm bảo năng suất chất lượng. Cần chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, cũng như trong chế biến sản phẩm sữa.

Ông Nguyễn Duy Ước, Phó chủ tịch UBND xã Vân Hòa: "Cuối năm 2015, đầu năm 2016, thị trường sữa có nhiều biến động. Bà con cũng nhận được thông tin giá sữa giảm từ 12.000 xuống 11.000 đồng/lít và xuống tiếp còn 10.000 đồng/lít. Hiện nay, Công ty IDP thu mua giá sữa của bà con không tương xứng so với giá tại các công ty sữa bên Vĩnh phúc. Cụ thể, tại Vĩnh Phúc, giá sữa vẫn từ 11.000 – 13.000 đồng/lít; trong khi ở Ba Vì chỉ 10.000 đồng/lít. Với giá sữa như hiện tại, nhiều nhà chăn nuôi bò sữa không có lãi".

Bùi Tú

Bài liên quan

Tin mới

Công bố Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”
Công bố Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”

Ngày 19/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Ninh phối hợp với UBND TP. Bắc Ninh tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”.

ĐHĐCĐ thường niên 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng
ĐHĐCĐ thường niên 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

Ngày 17/4/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Nhiều mục tiêu quan trọng đã được thông qua tại Đại hội, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

Thông tin về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản”
Thông tin về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng – Bừng sáng miền di sản”

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị - văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng Năm gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu
Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023. Sự tiến bộ này là điều tối quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Hải Phòng tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)
Hải Phòng tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)

Sáng 19/4, tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng chủ trì cuộc Gặp mặt.

Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 9: SHB tiếp tục tăng trưởng bền vững
Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam - Bài 9: SHB tiếp tục tăng trưởng bền vững

Tại Hà Nội, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo điện tử VietNamNet, tổ chức Lễ công bố Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500). TH&CL giới thiệu đôi nét từng đơn vị trong danh sách này.