Giá thịt lợn cao kỷ lục: Diễn biến bất thường? - Hình 1

Giá thịt lợn hơi tăng tới 200%, Việt Nam trở thành nước có giá thịt lợn cao nhất thế giới

Thực tế thời gian qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương đã tăng lên mức 54.000-56.000 đồng/kg. Đỉnh điểm một số địa phương ở Hà Tĩnh giá thịt lợn hơi xuất chuồng còn chạm mốc 58.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người chăn nuôi chưa từng nghĩ sẽ xuất hiện trên thị trường khi giá lợn hơi liên tục giảm trong năm 2017 và đầu năm 2018. 

Chị Trần Thị Hường, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội) cho biết, thịt lợn tại chợ tăng giá từ khoảng 2 tháng ngay. Hiện nay giá lợn hơi ở mức 56.000 đồng/kg là một kỷ lục do nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Giá lợn đắt người tiêu dùng mua ít, nên buôn bán cũng khó khăn.

Nguyên nhân giá lợn hơi tăng được đánh giá là do nhu cầu thị trường, trong khi nguồn cung thiếu. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng dư thừa thịt lợn vào năm 2017, hàng nghìn hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nuôi lợn hoặc giảm đàn do không còn đủ khả năng tài chính. Lợn thương phẩm hiện nay chủ yếu được cung cấp từ các công ty, trang trại lớn, là những nơi vẫn có điều kiện để duy trì đàn heo trong bối cảnh giá xuống thấp và kéo dài.

Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi bày tỏ, thị trường thịt lợn đang có những diễn biến khá khó hiểu. Hiện giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc khá rẻ nên sẽ không có nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam, còn thị trường trong nước nhu cầu tiêu dùng cũng không có dấu hiệu tăng đột biến bởi đang giữa mùa Hè nắng nóng. Vậy tại sao giá thịt lợn lại nhảy múa?

“Diễn biến của thị trường cho thấy, sự điều tiết của cơ quan chức năng là có vấn đề. Chỉ trong vòng 1 năm, giá thịt lợn diễn biến khó lường, từ chạm đáy thua lỗ đến cao chót vót chỉ trong vài tháng”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam- ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, giá thịt lợn đang có vấn đề bất thường. Mặc dù giá lợn tăng cao, nhưng thực tế bà con chăn nuôi lại không được hưởng nhiều lợi ích. Vì thời điểm này, đại đa số các hộ nuôi lợn nhỏ đã không còn lợn để bán do tác động của đợt khủng hoảng thừa trước đó. Đối tượng hưởng lợi lớn nhất lại là các trang trại lớn, các công ty, tập đoàn chăn nuôi bởi họ có nguồn cung dồi dào.

“Mức giá này có thể cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng không thể cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại nhiều do đang mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn không cao. Còn mức giá cao thế này có thể duy trì đến bao giờ thì chưa thể dự báo được”, ông Nguyễn Đăng Vang nhận định.

Trước diễn biến giá lợn hơi tăng kỷ lục, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) mới đây đã ra công văn hoả tốc yêu cầu các tỉnh thống kê và có biên pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn gấp. 

Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn chương thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện  có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo gấp về Cục chăn nuôi trước ngày 2/8/2018 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, cần thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường cũng như nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết để cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung, ngành chăn nuôi lợn nói riêng. Theo đó, không đẩy giá thịt lợn xuất chuồng vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng độ tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.

Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các tỉnh triển khai các biên pháp bình ổn giá thịt lợn. Đặc biệt, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước, vì hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt trong sản xuất đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Hằng Vương