Giá tiêu tại các tỉnh Đồng Nai 82.500 đ/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk 83.000 đ/kg; Bình Phước 83.500 đ/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 84.500 đ/kg; Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 82.000 đ/kg.

Đà giảm của thị trường trong nước từ đầu tháng khiến giá tiêu mất 4.500 - 5.000 đồng/kg, khu vực giảm mạnh nhất là Đông Nam Bộ. Trong khi đó giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam giữ ổn định, ít biến động theo giá thị trường trong nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, thị trường trong nước giảm không hẳn là do yếu tố cung cầu của ngành hồ tiêu tác động, mà do nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong đó có việc thao túng giá của một công ty lớn khi họ bán ra lượng tiêu tạm nhập tái xuất ở mức giá còn cao để thúc đẩy thị trường bán tháo, rồi lại mua mạnh vào qua nhiều đại lý, thương nhân khi thị trường xuống thấp. Bên cạnh đó, tâm lý chốt lời khi tiêu chạm mốc 90.000 đồng/kg cũng ảnh hưởng đến đà bán mạnh trong thời gian qua.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến giá tiêu là: Tình trạng ùn ứ hàng tại các cảng trên thế giới; đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc; tình hình dịch Covid-19 tăng cao trên thế giới...

Kỳ vọng của thị trường hồ tiêu hiện nay là dòng tiền xuất khẩu quay về sẽ thúc đẩy giá tăng trong những ngày cuối tháng 11/2021. Bên cạnh đó vẫn là tình trạng thiếu hụt hàng, cung không đủ cầu trên thế giới khi nhu cầu cuối năm của các nước tăng cao.

Trên thị trường thế giới, theo The Hindu Business Line, việc giá tiêu đen tăng mạnh trong tuần cuối tháng 10 đã làm phấn khích cộng đồng nông dân và thương lái tại Ấn Độ. Tính chung trong tháng 10, giá mặt hàng tiêu đen tại quốc gia này đã tăng tổng cộng 58 Rupee/kg.

Các nhà giao dịch cho rằng, sự bùng nổ về giá này là do một loạt yếu tố, bao gồm thời tiết khắc nghiệt dẫn đến giảm sản lượng, nhu cầu của các quốc gia tăng cao, sự phục hồi hoạt động kinh tế ở nhiều thị trường sau khi nới lỏng các hạn chế của Covid-19, thanh lý hàng tồn kho của nông dân...

PV