Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 40.433,35 Rupee/tạ (cao nhất) và 40.250 Rupee/tạ (thấp nhất).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 15/4 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 308,36 VND/INR.
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 67.000 - 72.500 đồng/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 67.000đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (69.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (70.500đ/kg); Bình Phước (71.500đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.500 đ/kg.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, điều đáng chú ý trên thị trường hồ tiêu Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 là xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm so với cùng kỳ năm 2020, nhưng xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh.
Như vậy, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ trong quý I/2021. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại tiêu đã qua chế biến chuyên sâu. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng cho hạt tiêu Việt Nam.
Tuy vậy, điểm yếu của hồ tiêu Việt Nam là dù các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA… tạo ra sản phẩm đa dạng nhưng về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá bán của Ấn Độ, Malaysia.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
Duy Thế