Cụ thể, giá tiêu Đắk Lắk được thu mua ở mức 152,000 đồng/kg, tăng 1,000 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 149,000 đồng/kg, tăng nhẹ 500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 150,000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay giảm mạnh so với hôm qua. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện ở mức 149,000 đồng/kg, giảm mạnh 1,000 đồng/kg so với ngày hôm qua; tại Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 149,000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch gần nhất, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 7.589 USD/tấn, giá tiêu trắng Muntok đạt 9.154 USD/tấn.

Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil ở mức 7.000 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 8.800 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 10.900 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam hôm nay ổn định ở mức cao, giao dịch ở 6.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.100 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn.

Trong tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng tiêu chưa từng có sang Hoa Kỳ, với tổng cộng 8.570 tấn, đạt giá trị 52,7 triệu USD. So với tháng trước, con số này tăng vọt 45,1% về khối lượng và 52,4% về giá trị.

So sánh với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu tăng đến 90,6%, và giá trị tăng gấp 2,9 lần. Tổng kết trong 8 tháng đầu năm, lượng tiêu xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 51.802 tấn, với giá trị lên tới 258,3 triệu USD, tăng 53,5% về khối lượng và 90,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường Hoa Kỳ chiếm 28,3% tổng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam, tăng đáng kể so với tỷ lệ 18% của năm trước. Giá bán tiêu trung bình sang Hoa Kỳ trong 8 tháng qua tăng 24,3%, đạt mức 4.986 USD/tấn. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là nhà cung cấp hồ tiêu hàng đầu cho Hoa Kỳ, chiếm khoảng 80% tổng lượng nhập khẩu tiêu của quốc gia này.

Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã được điều chỉnh sau 4 năm, gây ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế Mỹ mà còn mở ra cơ hội cho các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hồ tiêu của Việt Nam.

Với việc giảm lãi suất cơ bản xuống 0,5%, hiện nay ở mức 4,75-5%, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và tăng cường xuất khẩu hồ tiêu từ Việt Nam sang thị trường này. Sự giảm lãi suất này được dự đoán sẽ có tác động lớn đến thị trường hồ tiêu toàn cầu, do Mỹ là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu hàng đầu.

Lãi suất thấp hơn dẫn đến chi phí vay mượn giảm, cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào dự án mới và tuyển dụng thêm nhân sự, trong khi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn. Đồng thời, thị trường Mỹ cũng là điểm đến xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, làm tăng khả năng tiếp cận và mở rộng cho sản phẩm này.

Phương Thảo(t/h)