Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ... "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với lời văn ngắn gọn, đanh thép, lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, áng văn hùng hồn, tuyên ngôn đã khẳng định một cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền quốc gia của dân tộc trước thế giới, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam.
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những lý lẽ khéo léo, nhưng cương quyết bằng cách trích dẫn nội dung trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của hai cường quốc Mỹ và Pháp. Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng; tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Người khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”!
Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Nhân dân Việt Nam được hưởng tự do, độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã dũng cảm đứng về phía Đồng minh chống phát xít Nhật; dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập... và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
Tuyên ngôn Độc lập đã xuất phát từ quyền con người, thông qua quyền con người để xác lập quyền dân tộc, bởi quyền con người chính là cơ sở, nền tảng để thiết lập quyền dân tộc và mở rộng, phát triển từ quyền của con người đến quyền độc lập, tự do của dân tộc. Tuyên ngôn khẳng định quyền con người và quyền dân tộc luôn gắn bó mật thiết với nhau, thống nhất biện chứng với nhau. Vì thế, mỗi người dân và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy, không ai có thể tước đoạt được; nếu bị tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên trì, kiên quyết chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.
Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của Nhân dân Việt Nam được xây dựng theo đúng ý nguyện của cả dân tộc và khẳng định ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc ta xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tuyên ngôn Độc lập - là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc, là bản tuyên ngôn trong thời đại mới, sau bản tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và nêu rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập có nguồn sáng từ những chân lý lớn của lịch sử và thời đại, từ quy luật muôn đời kết tinh lại thành những chân giá trị, được phản chiếu thành những áng văn bất hủ chứa đựng lý tưởng cao đẹp về một thời đại mới. Tuyên ngôn Độc lập cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của đất nước, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng Việt Nam và xu hướng của thời đại.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc; đó cũng là mục tiêu, lý tưởng và khát vọng mà mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều hướng đến.
Năm tháng đã lùi xa, nhưng giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Thanh Hóa, cũng như các thế hệ người dân Việt Nam nói chung.
Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Đó là khát vọng về một xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện"...
Nhân dân Thanh Hóa luôn phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đóng góp nhân tài vật lực, dốc sức cùng cả nước lần lượt đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền tự do cho mỗi người dân Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa luôn quyết tâm, nỗ lực vươn lên hiện thực hóa “Khát vọng thịnh vượng” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong thời gian qua, với bản lĩnh, trí tuệ và đức tính lao động cần cù, chịu khó, chịu khổ và truyền thống yêu nước của con người xứ Thanh, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội:
Kinh tế tăng trưởng khá; chỉ nửa đầu năm 2023 (GRDP) ước đạt 7%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,87% và phát triển khá toàn diện; ngành công nghiệp, xây dựng đạt 8,55%; các ngành dịch vụ đạt 8,1%;
Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt NTM kiểu mẫu, 64 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh;
Sản xuất công nghiệp phát triển khá; lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh, giá trị xuất khẩu ước đạt 2.431 triệu USD, bằng 44,2% kế hoạch; du lịch phát triển mạnh, toàn tỉnh ước đón 8.354 nghìn lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7%;
Thu ngân sách nhà nước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 66.090 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch; giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 39,9% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước là 31,4%;
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 và quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác xây đảng và hệ thống chính trị được tăng cường;
Đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Những kết quả đó - đã tạo đà và mở ra cho Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới để phát triển mạnh mẽ.
Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã và đang tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, bằng tất cả trí tuệ và tiềm năng vốn có của mình, đóng góp cho sự hưng thịnh của quê hương, đất nước, sớm thực hiện thắng lợi “Khát vọng thịnh vượng” xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu mạnh; góp chung vào sự phát triển “hưng thịnh đất nước”, góp phần tiếp tục đưa dân tộc lên những tầm cao mới của thời đại.
PV (T/h)